■Năm 1999, làm quản lý các hoạt động tư vấn IT tại Ernst & Young Indochina, và sau đó là nhà tư vấn cho Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới.
■"Làm công nghệ nó thế cả đấy, ngày đêm kè kè bên cái máy thì còn đâu thời gian dành cho mình. Nhưng được cái, ngành này toàn người trẻ nên lại dễ thông cảm được cho nhau. Khi người ta được sống với niềm đam mê, mọi điều khác trở nên thứ yếu!"
5 năm trước, cái tên Trần Thanh Sơn bỗng dưng nổi như cồn trong làng công nghệ. Từ đó đến nay, anh vẫn tiếp tục trở thành nhân vật "hot" với những nỗ lực xây dựng mạng xã hội Việt.
Trước khi gặp Trần Thanh Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của Công ty Cổ phần Tầm Tay, tôi được biết anh đã từng có nhiều năm làm việc cho các tập đoàn lớn như AIG, Andersen Consulting của Mỹ. Về Việt Nam năm 1999, Trần Thanh Sơn làm quản lý các hoạt động tư vấn IT tại Ernst & Young Indochina, và sau đó là nhà tư vấn cho Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới. Với đôi điều trích ngang đó, tôi định hình người đối thoại của mình sẽ mang phong thái của một gương mặt đại diện cho những người trẻ tài năng và sớm thành công.
Thế nhưng, khi Trần Thanh Sơn ngoài đời, xuất hiện, tôi không khỏi ngỡ ngàng - Một anh chàng chân đi dép lê, áo quần xộc xệch, tóc tai bơ phờ. Chắc hiểu được câu hỏi trong mắt tôi, anh cười rất tươi, cực kỳ thoải mái: "Ôi lu bu quá, phải giải quyết tức tốc công việc cho cậu nhân viên chuẩn bị đi công tác nước ngoài nên bộ dạng mới ra thế này".
Tôi nghĩ mình đi đúng hướng
- Trở lại chuyện 5 năm về trước, sao anh lại chấp nhận từ bỏ công việc ở những tập đoàn lớn của nước ngoài để xây dựng mạng xã hội – một khái niệm vẫn chưa được định danh ở Việt Nam?
Nhiều người nói tôi lập ra Tầm Tay vào thời điểm đó chỉ là để thỏa mãn thú vui, sở thích của mình là chưa đúng, bởi ít nhiều tôi cũng có những nhìn nhận về thị trường này. Khoảng thời điểm năm 2007 - 2008, khi Yahoo đề nghị mua lại Facebook với giá 1 tỷ USD là điều mà cả thế giới phải ngạc nhiên. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là Facebook lại không đồng ý bán cho Yahoo. Và những gì mà Facebook đang có được bây giờ đã chứng minh rằng họ làm đúng. Tôi cũng nghĩ mình đi đúng hướng.
- Nếu chỉ đi sau những người khổng lồ, mình sẽ mãi mãi là tí hon. Tầm Tay phải làm gì để có được chỗ đứng ở một thị trường còn sơ khai nhưng đã có "ông lớn" để mắt ?
Nếu so với mô hình của Tầm Tay thuở sơ khai thì nay đã khác đi rất nhiều. Những thay đổi đó là do hoàn cảnh, trong quá trình làm thấy có cái không phù hợp thì bỏ, cái nào mình thiếu thì phải bổ sung. Hiện mô hình kinh doanh của Tầm Tay không chỉ tập trung vào dịch vụ mang tính chất dịch vụ xã hội, kết bạn như ở Facebook mà chúng tôi cung cấp các tiện ích giải trí cho người dùng như chia sẻ ảnh, video… Hiện 80% doanh thu của Tầm Tay là từ các hoạt động khác như game, còn quảng cáo chỉ chiếm chưa tới 20%. Trong thời gian tới, khi nghị định về kinh doanh internet của Chính phủ đi vào thực thi, tôi hy vọng sẽ giải quyết được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh internet như làm rõ khái niệm về mạng xã hội chẳng hạn.
- Chỉ một thời gian rất ngắn sau khi thành lập công ty, anh đã gọi được vốn đầu tư từ IDG Venture. Bí quyết là gì vậy, mối quan hệ cũ hay ý tưởng kinh doanh?
Hiện 80% doanh thu của Tầm Tay là từ các hoạt động khác như game, còn quảng cáo chỉ chiếm chưa tới 20%
Đầu tư mạo hiểm khác với các ngành khác ở chỗ nhà đầu tư không quá chú trọng kết quả kinh doanh hiện tại mà chủ yếu là nhìn đội ngũ nhân sự, sau đó nhìn vào quy mô thị trường. Ví dụ như họ nói mạng xã hội của anh trị giá 1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Vậy khi nào thì anh biến nó thành hiện thực và bằng cách nào. Nếu anh chứng minh được điều đó thì họ sẵn sàng rót vốn. Đối với internet, nếu anh đầu tư sai chỗ thì sẽ trở về số 0 ngay lập tức. Một website mà không làm được gì thì nó là thứ vô giá trị về mọi mặt. Do đó anh luôn luôn phải cố gắng làm sao duy trì trang web của mình ở top 3 dẫn đầu. Nếu lọt khỏi top 3 ấy, nhà đầu tư sẽ nói lời từ biệt.
- Vậy Tầm Tay đang đứng ở đâu trong top 3 ấy? Và anh sẽ làm gì để Tầm Tay không bị tuột khỏi top dẫn đầu này?
Cái này rất khó nói. Nhưng tôi nghĩ khi nhà đầu tư đã chọn thì có nghĩa là họ tin tưởng vào mình. Thời gian tới ngoài thị trường nội địa tôi cũng đang tính xuất khẩu sản phẩm của Tầm Tay ra thị trường nước ngoài.
- Có một giám đốc về mạng xã hội người Nga từng chia sẻ với tôi rằng, Nga và Trung Quốc đã thành công trong việc dựng nên "biên giới quốc gia" trong một thế giới không biên giới với những mạng xã hội thuần túy của mỗi nước. Việt Nam tiếc thay chưa làm được điều ấy. Nhận xét này có đánh thức trong anh niềm tự tôn dân tộc?
Tại Việt Nam, rõ ràng Facebook đang chiếm ưu thế. Tại sao ư? Tại vì Facebook lớn mạnh trên toàn cầu và có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với một đất nước sính ngoại như chúng ta. Đó là nguyên nhân khách quan khiến cho mạng xã hội Việt Nam chưa vươn lên được. Xét về mặt chủ quan, phải nói thẳng ra là chúng ta không phải không có dịch vụ tốt, không có sản phẩm hay mà còn bị chi phối về nhiều thứ. Mạng xã hội ra đời từ nhu cầu được kết nối của mọi người. Để phát triển, mạng xã hội đó phải chăm sóc thành viên rất kỹ. Do đó những công ty tư nhân kinh doanh dịch vụ sẽ có lợi thế hơn so với các công ty nhà nước bởi họ bám rất sát khách hàng. Nhưng ở Việt Nam lại có chuyện, một doanh nghiệp nhà nước được chỉ thị thành lập mạng xã hội riêng của Việt Nam. Như thế thì làm sao mà khuyến khích phát triển được!?
Ghế của tôi luôn nóng
- Rõ ràng việc trụ hạng ở Top 3 khiến cái ghế CEO của Tầm Tay luôn nóng. Vậy sao anh lại còn ham đến một cái ghế nóng không kém trong một số cuộc thi... sắc đẹp?
Hàng năm công ty của chúng tôi tổ chức rất nhiều cuộc thi sắc đẹp khác nhau. Tôi chỉ ngồi ghế nóng duy nhất cho cuộc thi Miss Tầm Tay (tìm kiếm hoa hậu cộng đồng mạng xã hội tamtay.vn - PV). Và thú thực tôi ngồi đó chỉ để cho đẹp đội hình. Tiêu chí chấm điểm của tôi cũng khác với các chuyên gia về sắc đẹp. Với tôi thì ngoài yếu tố hình thể, một Miss phải là người có cá tính, quan điểm cá nhân rõ ràng chứ không phải bắt chước, lặp lại cái người ta đã có. Cái ghế nóng mà tôi ngồi nhiều nhất là ở trong cộng đồng dotcom với các hoạt động giảng dạy, chấm thi cho nhiều khóa đào tạo khởi nghiệp về internet, thương mại điện tử.
- Theo anh, làm sao để trở thành một CEO giỏi của một mạng xã hội?
Anh phải vừa làm hài lòng hội đồng quản trị và các cổ đông – những người đã tin tưởng đưa tiền cho anh. Nhưng điều quan trọng hơn cả là phải làm hài lòng được khách hàng, điều ấy vô cùng khó khăn vì mỗi ngày có hàng triệu người tham gia vào mạng xã hội. Ở các công ty tư nhân, nhất là với những đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực sáng tạo như Tầm Tay thì nhân viên có vị trí rất lớn, giám đốc mới là người sợ nhân viên. Từ xưa đến nay, lúc nào tôi cũng chỉ nhớ là phải đi tết nhân viên chứ không có chuyện nhân viên đi tết mình bao giờ. Thêm vào đó, ở Việt Nam, để kinh doanh tốt, nhất là trong một ngành đầy nhạy cảm như internet thì việc làm hài lòng các cơ quan chức năng cũng cần phải được để tâm. Cái khó nhất của CEO chính là làm sao để dung hòa được tất cả những điều đó, tạo ra được điểm cân bằng mà mọi đối tượng trong cuộc đều chấp nhận được.
- Trẻ, sáng tạo cũng đồng nghĩa với việc môi trường làm việc phải thoải mái. Với "CEO sợ nhân viên" như anh tự nhận, việc tạo dựng một môi trường làm việc cởi mở, thỏa sức sáng tạo được thực hiện như thế nào?
Phần lớn đồng nghiệp ở Tầm Tay đều rất trẻ, độ tuổi trung bình là 25-26. Vì vậy mà không khí lúc nào cũng vui vẻ và ấm áp. Không gian mở ở Tầm Tay thể hiện nhiều ở cách làm việc của mỗi người. Mỗi nhân viên ở đây đều có những mục tiêu dài, ngắn khác nhau và họ được tự do làm việc bằng bất cứ cách nào họ muốn để đạt được mục tiêu đó. Phía công ty sẽ có những hỗ trợ tối đa về thời gian, về nhân lực, tài chính… để làm sao nhân viên có thể an tâm, thỏa sức sáng tạo và cống hiến.
Giữa ảo và thật
- Anh kinh doanh mạng xã hội, vậy một ngày anh dành bao nhiêu thời gian để "lượn lờ" trên đó?
15 phút cho bản thân. Thời gian chính của tôi là phát triển sản phẩm và nếu sử dụng nó thì chỉ là dùng thử để kiểm tra xem đã hoàn thiện chưa mà thôi.
- Trên mạng tamtay.vn có rất nhiều người là doanh nhân, anh có nghĩ sẽ kết nối họ thành một cộng đồng?
Thời gian tới ngoài thị trường nội địa tôi dự tính xuất khẩu sản phẩm của Tầm Tay ra thị trường nước ngoài
Nhiều người khi vào mạng không muốn tiết lộ bản thân. Tôi biết nick của một ông Thứ trưởng ở một bộ trên tamtay.vn. Ngoài đời tôi biết rõ về ông ấy, nhưng khi trên mạng ông ấy thể hiện mình là một người hoàn toàn khác. Vì vậy mà có nhiều lần tôi thử nghiệm các cuộc offline kết nối các nhóm khác nhau ở cộng đồng mạng nhưng hiệu quả không cao.
- Tôi thấy anh cũng có nick ảo ở trên mạng đấy thôi. Có lẽ ông chủ Tầm Tay cũng giống bao người, muốn tìm một cái tôi khác ở internet?
Tôi không có nhu cầu lắm về việc này. Mạng xã hội với tôi chỉ là nơi lưu trữ, chia sẻ dữ liệu với mọi người chứ không phải chỗ để nói bóng gió hay tâm sự, khóc lóc, kể lể như những gì mà các bạn trẻ bây giờ đang thích. Nhưng vì tôi kinh doanh nó nên tôi làm theo nhu cầu của số đông, giống như game chẳng hạn, càng nhiều người chơi thì doanh thu của tôi càng lớn.
- Câu chuyện về game lúc nào cũng "sốt xình xịch" khi ngày càng có người vì game mà giết người cướp của. Anh nghĩ sao về đạo đức kinh doanh game?
Cần nói rõ loại game Tầm Tay sản xuất và kinh doanh là những game nhỏ dành cho dân văn phòng, không liên quan gì đến game online kiếm hiệp bạo lực mà mọi người hay nói đến. Tôi cho rằng, việc khẳng định, chơi game bạo lực thì trở thành bạo lực là hơi quy kết, do còn nhiều yếu tố khác tác động.
- Và lời khuyên của ông chủ một công ty kinh doanh game dành cho những người nghiện game là…?
Đã là nghiện đương nhiên không tốt, những người sản xuất ra game cũng không bao giờ muốn khách hàng của mình, nhất là trẻ em, nghiện game. Vì vậy lời khuyên của tôi là chơi cho vui, giảm stress, kết thêm bạn bè, nhưng đừng để game ảnh hưởng đến những hoạt động khác, làm mất đi các cơ hội của bản thân.
- Vậy là sau 5 năm nhìn lại, anh vẫn tự tin với sự lựa chọn của mình?
Tôi đã đi đúng hướng và tự tin vào triển vọng phát triển của Tầm Tay cũng như thị trường kinh doanh trên internet. Hãy tin, Việt Nam sẽ có những trang mạng xã hội đủ mạnh của mình để được người Việt lựa chọn cho dù những ông lớn như Facebook, Yahoo… có mong muốn bành trướng đến đâu đi nữa!
- Và không hề nuối tiếc, ngay cả khi bộ dạng đã trở nên thế này?
(cười) Làm công nghệ nó thế cả đấy, ngày đêm kè kè bên cái máy thì còn đâu thời gian dành cho mình. Nhưng được cái, ngành này toàn người trẻ nên lại dễ thông cảm được cho nhau. Khi người ta được sống với niềm đam mê, mọi điều khác trở nên thứ yếu!
Nhìn anh, tôi tự hỏi, không biết khi vị CEO của Facebook cưỡi trâu dạo chơi ở các bản làng Sapa trong lần tới Việt Nam dạo trước, ông ấy có nghĩ đến việc đang có lớp doanh nghiệp Việt Nam tự tin xây dựng cho mình hành trình tạo dựng giá trị dân tộc qua sự lớn mạnh của những trang mạng xã hội của người Việt. Điều ấy cũng như thể gắn ngôi sao vàng năm cánh lên bản đồ mạng xã hội không giới hạn.
Mạng xã hội Việt không ngại Facebook
Các mạng xã hội nước ngoài không chỉ Việt hóa là có thể thành công ở VN vì người Việt không chỉ đơn thuần cần một sản phẩm, mà còn cần dịch vụ đi kèm. Báo Bưu điện VN đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc mạng xã hội Tầm Tay (tamtay.vn) Trần Thanh Sơn về cơ hội và khả năng cạnh tranh của các mạng xã hội Việt Nam.
Mạng xã hội nước ngoài không chỉ Việt hóa là có thể thành công ở Việt Nam. Ảnh M.T.
Tamtay được ra đời tự sự "nghiện" Internet của cá nhân. Vào năm 2006-2007, lúc đó VN chưa có mạng xã hội, mới chỉ quen thuộc với blog qua Yahoo nên tôi nghĩ nếu có một mạng xã hội sẽ rất thích hợp với thói quen giao lưu của người VN.
Sau hai năm, Tầm Tay hiện có 350.000 thành viên với khoảng 100.000 lượt truy cập mỗi ngày, nằm trong nhóm mạng xã hội có lượng truy cập lớn ở VN. Điểm khác biệt so với các mạng xã hội khác của VN là ở chỗ Tầm tay học hỏi nhưng không sao chép các mạng nước ngoài, và đặt chú trọng vào cộng đồng hơn là công nghệ thuần túy. Tamtay thường góp mặt với các chương trình của sinh viên, đối tượng khách hàng chính của mình.
Hiện tại, Tamtay có đủ tính năng cơ bản của mạng xã hội, lưu giữ và chia sẻ nội dung số, lập và duy trì quan hệ xã hội ảo. Năm nay, Tamtay sẽ đưa những phần quan trọng nhất lên di động.
Như anh nói mạng xã hội cho người Việt là ý tưởng hay nhưng sao đến nay Yahoo 360 vẫn thống trị thị trường này?
Yahoo 360 ra đời đầu tiên, họ đã hình thành được các nhóm thành viên chơi với nhau trên đó nhiều năm. Khi tham gia vào các mạng xã hội, tính năng không phải là quan trọng nhất mà là các mối quan hệ của thành viên. Vì vậy, chuyện các mạng xã hội VN chưa dành được thị trường từ Yahoo là bình thường, cần có thời gian. Cũng cần biết là lượng người tham gia Yahoo 360 chỉ là số nhỏ, còn rất nhiều người là đối tượng của các mạng xã hội như Tamtay nhắm tới chưa tham gia.
Gần đây, khá nhiều mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Hi5… đã và đang xây dựng phiên bản tiếng Việt. Điều đó có ảnh hưởng đến cơ hội thành công của mạng xã hội VN như Tamtay không?
Giám đốc mạng xã hội Tầm Tay Trần Thanh Sơn.
Thị trường dịch vụ Internet ở VN còn rất mới, chủ yếu bây giờ là thuyết phục những người chưa dùng mạng xã hội thử dùng chứ cũng chưa thực sự là thời điểm bão hòa cần lấy thành viên từ các mạng khác. Ngoài ra, thực tế cho thấy các mạng xã hội từ phương Tây rất khó đưa vào các xã hội Á đông, ví dụ ở Trung Quốc không có mạng xã hội phương Tây nào thành công, Nhật bản cũng vậy, còn ở Hàn quốc Facebook mới tuyên bố đóng cửa chỉ sau một năm hoạt động.
Các mạng xã hội nước ngoài rất khó có cơ hội thành công ở VN vì người VN không chỉ đơn thuần cần một sản phẩm, mà còn cần dịch vụ đi kèm. Trong trường hợp mạng xã hội, các dịch vụ đó là những hoạt động mang tính cộng đồng offline và những chăm sóc mang tính cá nhân cho các nhóm thành viên.
Vậy mục tiêu chính của các mạng xã hội VN như Tamtay hiện nay là gì?
Vấn đề chính của các mạng xã hội VN hiện nay là làm sao tạo được thói quen mới: sử dụng mạng xã hội cho thanh niên và người Việt nói chung. Nói cách khác là làm cho chiếc bánh thị trường lớn lên, chứ không phải là giành nhau vài phần của chiếc bánh hiện còn nhỏ xíu.
VN hiện mới chỉ có vài mạng xã hội được đầu tư tương đối tốt và quản lý chuyên nghiệp. So với thị trường hơn 80 triệu dân, con số mạng xã hội là quá ít. Ví dụ, Trung Quốc hiện nay có tới vài trăm mạng xã hội, nhiều mạng có tới vài chục triệu thành viên.
Dường như có cảm nhận chung chưa tin lắm vào khả năng thành công của các mạng xã hội VN?
Cần có thời gian để trả lời câu hỏi này. Ở phương tây, lúc đầu mạng xã hội ra đời chỉ là sân chơi của sinh viên. Sau 4-5 năm, mạng xã hội dần trở thành kênh truyền thông lớn mạnh và được định giá cao. Theo kinh nghiệm ở các nước đi trước VN, quá trình chuẩn bị cho sự phát triển thường kéo dài khoảng 3 năm. Tôi cho rằng nhu cầu mạng xã hội sẽ phổ dụng ở VN trong một vài năm tới, dự kiến vào năm 2011 các mạng xã hội VN sẽ bắt đầu có lợi nhuận. Tuy nhiên, sẽ chỉ khoảng 20% mạng xã hội VN trụ vững đến thời điểm đó.
Vậy theo anh, tiêu chí nào cho một mạng xã hội thành công, có người nói tối thiểu phải có lượng truy cập 500.000 mỗi ngày?
Trong kinh doanh dot.com (dịch vụ Internet), muốn có cơ hội đua tranh, tối thiểu phải đạt trong top 5 của phân khúc dịch vụ mà mình tham gia. Còn lượng truy cập phụ thuộc vào kích thước của thị trường, có thể năm nay lượng truy cập 500.000 là đủ để có doanh thu từ quảng cáo nhưng năm tới số lượng truy cập đó lại là bé.
Các mạng xã hội sẽ kiếm tiền như thế nào?
Mạng xã hội là một loại hình truyền thông, gần đây doanh thu quan trọng nhất là từ quảng cáo. Với tính chất tương tác với người dùng, các loại hình quảng cáo sẽ đa dạng hơn, không chỉ quảng cáo banner mà sẽ có quảng cáo hướng đối tượng kiểu như Facebook lập ra các “Friend Club” hay MySpace chuyên lăng xê các ban nhạc mới nổi. Chính vì khả năng tương tác và hướng đối tượng cao, nên các mạng xã hội được định giá tương đối cao.
Xin cảm ơn anh!
Tham khảo Diễn đàn doanh nghiệp, ICTnews
0 nhận xét