Doãn Thu Hằng - Sáng lập 'Chợ trời Sài Gòn' (Sai Gon Flea Market)


■Năm 17 tuổi, Hằng tham gia cuộc thi khởi nghiệp của VTV3 và dự án của em đã thắng
■Là một cô gái mê đi chợ, tự bỏ tiền đi du lịch ở nhiều nước xem mô hình hoạt động của Flea Market
■Sau thành công của phiên chợ đầu tiên năm 2011, Hằng nhận được rất nhiều cuộc gọi mong muốn tham gia.
■“Mục đích của em không phải là làm kinh tế từ phiên chợ này mà đây chỉ là một dự án giúp cho em thực hiện việc phát triển nhãn hiệu thời trang của riêng em và quảng bá các sản phẩm “made in Vietnam” ra nước ngoài, đặc biệt là sản phẩm của các nghệ sĩ, các nhà thiết kế

Doãn Thu Hằng: Cô chủ 8X của 'chợ trời' Sài Gòn - “Sai Gon Flea Market”

Người nghĩ ra ý tưởng và tổ chức thành công phiên chợ độc đáo này là một cô gái mê đi chợ, tự bỏ tiền đi du lịch nước ngoài để tìm hiểu mô hình hoạt động của chợ phiên nước ngoài.

Một phiên chợ độc đáo giới thiệu những mặt hàng làm bằng tay do chính nghệ nhân người nước ngoài và Việt Nam làm ra được tổ chức mỗi tháng một lần ở Phú Mỹ Hưng, quận 7 (TP.HCM).

Giới trẻ Sài thành hơn một năm nay đã biết tới một phiên chợ độc đáo có tên “Sai Gon Flea Market” (chợ trời), được Doãn Thu Hằng, 23 tuổi lập nên dựa theo mô hình các chợ trời ở nước ngoài.

Khách phần lớn là giới trẻ yêu thích hàng lạ, độc đi mua sắm  Ảnh: PHI LONG

Hằng kể: “Ngày nhỏ, khi em khoảng 10 tuổi, mẹ hay cho em về quê ở Hưng Yên đi chợ phiên. Em rất thích thú với những phiên chợ như vậy và khi lớn lên, đọc sách báo về chợ ở nước ngoài, em cũng ao ước có một phiên chợ như họ”.

Tâm sự với một người bạn nước ngoài, người bạn này hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích Hằng nên làm. Hằng tự bỏ tiền đi du lịch ở nhiều nước xem mô hình hoạt động của những cái chợ ra sao. Hằng cho biết, chợ trời ở nước ngoài đa phần bán đồ cũ, tất nhiên có nhiều đồ độc đáo, lạ và quý hiếm.

Tuy nhiên, khi về Sài Gòn, Hằng không lấy đúng nguyên mẫu chợ trời nước ngoài mà biến thể thành chợ bán các sản phẩm độc đáo làm bằng tay (hand-made) chứ không bán đồ cũ, ưu tiên cho chính người làm ra nó được mở quầy để bán, mặc dù vẫn dùng cái tên “chợ trời” (flea market) như ở nước ngoài.

Trước khi tổ chức phiên chợ đầu tiên, khi ngỏ lời với các bạn nước ngoài, có tới 70% người được hỏi ủng hộ vì họ hiểu ngay “nó là cái gì”, thế nhưng các bạn trẻ Việt Nam lại tỏ ra rất thờ ơ. Sau thành công của phiên chợ đầu tiên năm 2011, tình thế lại đảo ngược, Hằng nhận được rất nhiều cuộc gọi của các bạn trẻ Việt mong muốn tham gia.

Phiên chợ thứ hai, tỉ lệ các gian hàng Việt của các bạn trẻ đã lên tới 40%. Sắp tới, có 80 gian hàng sẽ tham gia phiên chợ trong tháng 5, với tỉ lệ tham gia của gian hàng Việt và nước ngoài là 50-50. Hằng cho biết, cô đã phải từ chối hàng trăm bạn trẻ vì khả năng của mình hiện tại không tổ chức được vượt quá 80 gian hàng.

“Lý do em chọn 80 gian hàng của cả người nước ngoài và người Việt vì sự độc đáo và quan trọng là do chính họ làm ra. Khi người ta mua một món hàng đắt tiền hơn hàng chợ, người ta sẽ rất vui khi được người làm ra sản phẩm giải thích về vẻ đẹp của sản phẩm đó”, Hằng giải thích.

Có những đồ rất độc đáo chẳng hạn như có bạn tạo ra các sản phẩm trang trí nhà cửa bằng giấy báo đen trắng rất thú vị. Nếu bạn ấy không giới thiệu ở chợ phiên này thì có lẽ em chẳng bao giờ em biết đến sản phẩm này, Hằng chia sẻ.

Hằng cho biết, cô cũng ưu tiên rất nhiều cho các bạn làm ra mặt hàng hay nhưng không có cơ hội đi tiếp thị vì không biết cách cũng như không có khả năng tài chính. Năm 17 tuổi, Hằng cũng tham gia cuộc thi khởi nghiệp của VTV3 và dự án của em đã thắng. Tuy nhiên, sau đó Hằng không phát triển được nhãn hiệu thời trang Love Adam của mình được vì nhiều lý do, vì thế Hằng rất hiểu mong muốn của các bạn trẻ và quyết tâm tổ chức một phiên chợ, tạo cơ hội cho các bạn tiếp thị sản phẩm của mình.

Khách hàng của chợ phiên Sài Gòn có rất nhiều người nước ngoài. Họ tới chợ đêm thì chỉ mua được phần nhiều hàng Trung Quốc, rất ít hàng “made in Vietnam”, vì thế, Hằng cho rằng, một phiên chợ như thế này là một dịp giới thiệu văn hoá Việt rất tốt đối với du khách.

Hỏi Hằng đã thu lãi được từ phiên chợ chưa, Hằng cho biết: mỗi quầy mất phí khoảng 600 ngàn/tháng, nếu trả tiền thuê mặt bằng, thuê bàn ghế để người bán chỉ việc bày hàng, in tờ rơi, quảng cáo thì không còn bao nhiêu.

“Mục đích của em không phải là làm kinh tế từ phiên chợ này mà đây chỉ là một dự án giúp cho em thực hiện việc phát triển nhãn hiệu thời trang của riêng em và quảng bá các sản phẩm “made in Vietnam” ra nước ngoài, đặc biệt là sản phẩm của các nghệ sĩ, các nhà thiết kế”, Hằng chia sẻ.

Bố là công an, mẹ là giáo viên nên muốn hướng cho Hằng có một cuộc sống “ổn định”. Học ngành luật nhưng Hằng lại mê thiết kế thời trang, cô đã vấp phải sự ngăn cản rất quyết liệt của bố mẹ. Nhưng giờ đây, bố mẹ Hằng rất hạnh phúc khi thấy con hạnh phúc và dám nghĩ, dám làm.

Những hình ảnh về những sản phẩm độc đáo ở Sai Gon Flea Market (ảnh do nhân vật cung cấp).

Áp phích giới thiệu chợ trời Sài Gòn.

Du khách mua sắm ở chợ trời Sài Gòn.

Các bạn trẻ háo hức với các sản phẩm “hand-made” độc đáo.


Chợ phiên ở Sài Gòn

TTM- Ra đời từ ý tưởng của cô gái trẻ Doãn Thu Hằng, sinh năm 1988, chuyên viên truyền thông của một công ty tại Q.1, (TP.HCM), Saigon Flea Market– một hình thức chợ phiên – đã họp được bốn lần và thu hút hàng nghìn khách hàng đến mua sắm.

Ngày 15-4, phiên chợ thứ 5 sẽ được diễn ra tại Boomarang Bistro Saigon (107 Tôn Dật Tiên, Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM). Đây là chợ phiên bắt nguồn từ các nước phương Tây, nơi tụ họp để mua bán, trao đổi đồ cũ, đồ làm bằng tay, có khi là thực phẩm tự làm… và thường họp vào các ngày cuối tuần. Hàng chục gian hàng của các bạn trẻ trưng bày khá đa dạng các chủng loại hàng hóa, từ quần áo, túi xách, hoa tai đến xà bông, lọ thủy tinh… Hàng hóa của mỗi gian hàng phần lớn do chủ nhân của nó tự làm và mang đến hội chợ. Giá mỗi món dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn tùy theo loại, chất lượng cũng như sự công phu. Nhiều bạn trẻ háo hức đến tham gia ngày hội vì có cơ hội mua được rất nhiều món quà độc đáo, lạ mắt và nhiều món chỉ sản xuất một cái.

Doãn Thu Hằng, người sáng lập Chợ phiên ở Sài Gòn Ảnh: PHI LONG

Tuổi Trẻ Mobile đã có cuộc trò chuyện với Thu Hằng:

*Ý tưởng cho ra đời chợ phiên từ đâu?

-Câu chuyện bắt đầu từ khi tôi còn nhỏ và được bố mẹ dẫn về quê ngoại ở Hưng Yên chơi. Ở đây có hình thức chợ phiên họp vào ngày 15 mỗi tháng để người dân tụ họp buôn bán những sản vật của địa phương. Tôi lớn lên với ước mơ mình được đi những phiên chợ như thế, nhưng không phải nơi bày bán con vịt, mớ rau mà là những sản phẩm độc đáo, được làm bằng tay, lạ mắt. Khi đi làm, tôi càng thấy thích thú với ý tưởng một phiên chợ họp định kỳ mỗi tháng, chuyên bán hàng độc, lạ với khách hàng là giới trẻ văn phòng như tôi. Đặc biệt, là con gái tôi rất thích những cửa hàng thời trang bán đồ thiết kế và chỉ sản xuất một số lượng nhất định. Tôi đã mang ý nghĩ này chia sẻ cho bạn bè của mình và nhận được phản hồi rất tích cực nên quyết định bắt tay làm.

*Khó khăn nhất của Hằng thời gian đầu là gì?

-Làm thế nào định hình mô hình hoạt động chuẩn nhất và cách duy trì nó như thế nào là điều khiến tôi trăn trở. Tôi biết mô hình này khá phổ biến ở các nước phát triển nên đã sang Úc để tìm hiểu thêm. Từ chuyến đi này, tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm để có thể tự mình cho ra đời và quản lý một chợ phiên ở Sài Gòn.

Một điều nữa là khi định hình xong mô hình, tôi phải lân la các cửa hàng chuyên bán các món đồ làm bằng tay, đồ tự sản xuất, các cửa hàng thời trang do chính các bạn trẻ thiết kế… để kêu gọi mọi người đăng ký tham gia. Lúc đầu cũng khó khăn khi mọi người chưa hiểu rõ lắm mô hình này do nó quá mới mẻ tại Việt Nam. Phiên chợ đầu tiên diễn ra vào tháng 11-2011 chỉ với 25 gian hàng tham gia nhưng đến lần thứ tư (ngày 4-3-2012) đã có gần 200 bạn đăng ký và chúng tôi chọn lọc ra 60 gian hàng phù hợp với tiêu chí của Saigon Flea Market.

*Mô hình này hoạt động như thế nào?

- Chợ phiên họp thường kỳ vào chủ nhật đầu tiên của tháng, tuy nhiên chúng tôi sẽ linh hoạt thời gian tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Khách có nhu cầu tham gia chợ trời sẽ gửi bảng đăng ký chủng loại và mô tả hàng hóa mình dự định bán. Chúng tôi sẽ tổ chức để sàn lọc và chỉ chọn những loại theo tiêu chí của mình như: độc, lạ và làm bằng tay.

Tôi mong muốn Saigon Flea Market sẽ là nơi các bạn trẻ yêu thích làm đồ thủ công, yêu thích thời trang hàng độc hay các sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ gặp gỡ, trao đổi. Đây cũng sẽ là nơi giới trẻ văn phòng gặp gỡ, làm quen với nhau cũng như tụ họp bạn bè vào cuối tuần. Một phần doanh thu từ phí tham gia các gian hàng sau khi trả các khoản chi phí được dùng để mua sách vở cho trẻ em nghèo miền núi phí Bắc và các tỉnh Tây Nguyên.

Saigon Flea Market thường tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần tại Q.7 (TP.HCM) vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng. Phí tham gia của mỗi gian hàng dao động từ 200-500.000đ tùy thuộc vào chủng loại hàng hóa bán. Số tiền này dùng để chi trả cho việc thuê mặt bằng, nhân viên quản lý và thuê vật dụng cho chợ trời. Những gian hàng của các tổ chức từ thiện, các đội nhóm bán đồ gây quỹ để làm tình nguyện được miễn phí.

Thông tin và lịch tổ chức được đăng tải trên trang web: http://www.saigonfleamarket.com


Tham khảo Vietnamnet, Tuoitre.vn
Tags:

Giới thiệu về NguoiThanhCong.net

Là mạng lưới của những người khát khao thành công, chia sẻ câu chuyện của những tấm gương thành công đáng để học hỏi.

0 nhận xét

Leave a Reply