Trần Trọng Kiên - Chàng sinh viên Y khoa trở thành "đại gia" kinh doanh du lịch mạo hiểm (Buffalo Tours)


[Image]

■Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội
■Năm 1994: thành lập Buffalo Tours
■Suốt 17 năm qua, Buffalo Tours được biết đến là công ty du lịch mạo hiểm hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng đều đặn 20 - 40% hàng năm.
■Năm 2011: mua lại 100% cổ phần của một công ty nước ngoài (chuỗi khách sạn và resort Victoria)
■“Tôi sinh ra trong một gia đình tương đối khó khăn về tài chính tại Việt Nam, tôi không muốn chứng kiến gia đình tôi, đặc biệt là những đứa con tôi cũng phải lớn lên trong sự thiếu thốn. Đó chính là lý do tôi bỏ lại tấm bằng bác sỹ để đến với kinh doanh

Ảnh: Doanh nhân Trần Trọng Kiên (trái) trong buổi công bố liên doanh với Tập đoàn Wotif
 - một trong những Tập đoàn du lịch hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nổi tiếng với thương vụ doanh nhân Việt đầu tiên trong ngành du lịch mua lại 100% cổ phần của một công ty nước ngoài (chuỗi khách sạn và resort Victoria) hồi năm 2011 với giá trị lớn nhất từ trước tới nay, 45 triệu USD, nhưng ít ai biết Trần Trọng Kiên còn là người tiên phong đưa du lịch mạo hiểm vào 3 nước Đông Dương.

Khởi đầu từ mong muốn thoát nghèo

Có lẽ bây giờ, nhiều bạn trẻ đã quen với khái niệm du lịch trekking (đi bộ dã ngoại) hay du lịch mạo hiểm, trải nghiệm, song không phải ai cũng biết loại hình này xuất hiện ở Việt Nam đã gần 20 năm nay, và người “khai sáng” nó lại là một sinh viên trường Y mới tốt nghiệp khi đó.

Sau khi hoàn thành 6 năm đèn sách ở ĐH Y khoa Hà Nội, anh bác sĩ trẻ Trần Trọng Kiên đã tạo bước ngoặt cho mình bằng việc thành lập Buffalo Tours vào năm 1994. Với sự giúp đỡ của vài người bạn, những ngày đầu, tài sản công ty không có gì ngoài một cái bàn làm việc và một chiếc điện thoại lúc nào cũng im lặng như thách thức.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, công ty đã bắt đầu có khách, nhờ kinh doanh loại hình dịch vụ rất mới khi đó. Rồi người này giới thiệu người kia, cùng với việc quảng bá thương hiệu của chủ nhân, Buffalo Tours bắt đầu có tiếng.

Với phương châm phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo như du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng và du lịch có trách nhiệm, thêm vào đó là tận dụng nguồn nhân lực tiềm năng, suốt 17 năm qua, Buffalo Tours được biết đến là công ty du lịch mạo hiểm hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng đều đặn 20 - 40% hàng năm.

Hiện Buffalo Tours đang cung cấp dịch vụ cho hơn 200 công ty du lịch, lữ hành trên thế giới.

Ngoài trụ sở chính đặt tại Hà Nội, công ty cũng có các chi nhánh ở TP HCM, Đà Nẵng, Siem Reap, Phnom Penh (Campuchia), Sydney (Australia), các địa điểm bán tours ở các khách sạn 5 sao như Ressainance và New World. Hiện nay, mạng lưới của Buffalo Tours vẫn tiếp tục được mở rộng và công ty ngày càng gây dựng được nhiều quan hệ với các đối tác du lịch tiềm năng trên toàn cầu.
“Với những sản phẩm phù hợp với thị trường, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm nhiều kênh phân phối hơn. Sẽ có thể phát triển nhanh hơn nhiều nếu tận dụng tối đa mạng lưới của các công ty lữ hành quốc tế thay vì tự mình phát triển chúng. Và chúng tôi đã vượt qua rào cản biên giới để hòa nhập với thế giới, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và gây dựng quan hệ với nhiều đối tác tiềm năng”, anh Kiên chia sẻ.

Lý giải về việc rời bỏ nghề Y để đi theo con đường kinh doanh du lịch, anh Kiên cho hay: “Tôi sinh ra trong một gia đình tương đối khó khăn về tài chính tại Việt Nam, tôi không muốn chứng kiến gia đình tôi, đặc biệt là những đứa con tôi cũng phải lớn lên trong sự thiếu thốn. Đó chính là lý do tôi bỏ lại tấm bằng bác sỹ để đến với kinh doanh”. Thế nhưng khi đã là một doanh nhân thành đạt và phần nào thực hiện được những mục tiêu mình đặt ra, doanh nhân Trần Trọng Kiên luôn nung nấu một ý tưởng, đó là phải làm một điều gì đó giúp ích cho cộng đồng. “Tất cả mọi người đều có thể làm được một điều gì đó dù là rất nhỏ cho cộng đồng. Niềm vui du lịch vì vậy sẽ được nhân lên nhiều lần”, anh nói.

Đây cũng là lý do để anh Kiên triển khai và phát triển hình thức du lịch tình nguyện. Đó là những đoàn tình nguyện viên dạy học cho trẻ em mồ côi, những chuyến dã ngoại kết hợp với khám chữa bệnh cho người dân nghèo, những đóng góp về vật chất và tinh thần cho các làng dân tộc miền núi ở Mai Châu, các dự án xây trường lớp, nhà ở cho các em nhỏ.

Bên cạnh đó, anh còn triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, khu sinh thái và động vật quý hiếm ở Cúc Phương hay Tam Đảo. Phương châm sống có ích, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và phát triển cộng đồng được quán triệt trong toàn bộ canh ty.

Không bao giờ nói lời hối tiếc

Trần Trọng Kiên là người không bao giờ nói lời hối tiếc trong những quyết định của mình. Bỏ nghề Y, đôi lúc anh cũng thấy chạnh lòng khi thấy giờ đây, bạn bè nhiều người trở thành những chuyên gia đầu ngành, người biết mổ tim qua Xquang, qua siêu âm, kẻ biết thanh mạch vành, mà khi xưa còn là sinh viên, anh cũng từng ao ước mình sẽ làm được vậy. “Nhưng để nói lời hối tiếc, thì có lẽ là không”, anh nói.

Kể cả khi gặp thất bại, Trần Trọng Kiên cũng không vì thế mà nản lòng hay hối tiếc. Anh quan niệm, thất bại là chuyện bình thường, miễn là có đủ thông minh để biết rằng mình đã sai.

Vị doanh nhân trẻ này chẳng ngại kể ra những thất bại của mình. Thực tế, trong mỗi bước tiến lớn và thành công hôm nay của Công ty CP du lịch Thiên Minh cũng như thương hiệu Buffalo Tours, Trần Trọng Kiên vẫn có những bước đi nhỏ chệch hướng, sai lầm. Năm 1997 - 1998, công ty lên kế hoạch tung ra dịch vụ nhảy dù cho khách du lịch. Nhưng hơn một năm chuẩn bị, bao công sức, tiền của bỏ ra, mà cuối cùng phải thừa nhận, dịch vụ ấy chẳng thể thương mại hóa ở Việt Nam. Sau đó, kế hoạch mở tour du lịch bằng khinh khí cầu cũng thế, rất nhanh chóng thất bại...

Trải qua không ít thất bại, nhưng trong tâm vị doanh nhân này vẫn còn ấp ủ rất nhiều dự định. Anh muốn đưa Victoria Hotels & Resorts trở thành thương hiệu hàng đầu của người Việt Nam, gắn kết văn hóa Việt và Pháp. Anh còn muốn mở rộng các điểm đến chiến lược, khai phá những điểm du lịch mới cả trong nước và ngoài nước. Với anh, sự thất bại lớn nhất đó là dừng lại.

Anh kể câu chuyện khi đầu tư Buffalo Tours sang Thái Lan. Lúc đó là thời kỳ khủng hoảng chính trị của nước này, nhiều người bảo anh “có vấn đề”. Nhưng sau khi nghiên cứu thị trường và tìm tòi chiến lược tiếp thị phù hợp, anh thấy rằng mình không tranh thủ thời điểm này để mở rộng thương hiệu sang Thái thì sẽ không còn nhiều cơ hội tương tự nữa. “Chúng tôi đã áp dụng hệ thống phân phối và quản lý đang có để tiếp thị trực tiếp thương hiệu, dịch vụ đến từng người tiêu dùng Thái Lan. Kết quả là đến tháng 10/2010, Buffalo Tours Thái Lan đã có lãi, nhân viên từ 3 - 4 người lúc đầu tăng lên thành 100 người, số lượng khách hàng đạt con số 10.000 người. “Nếu lúc đó tôi dừng lại, an bài với việc phát triển thương hiệu trong nước mà không mở rộng, thì khó mà có được kết quả như hôm nay”.

Nếu xếp Trần Trọng Kiên vào danh sách những doanh nhân ham học thì cũng không sai. Dù công việc bận rộn, sở hữu  và quản lý rất nhiều công ty, thương hiệu trong ngành du lịch, khách sạn, song anh không ngại bỏ thời gian để tham gia các khóa học cần thiết. Anh tự nhận mình là người đam mê được học hỏi và khao khát hoàn thiện bản thân. Ngoài các tấm bằng bác sỹ đa khoa thực hành từ ĐH Y Khoa Hà Nội, Cử nhân khoa tiếng Anh của ĐH Sư phạm Ngoại Ngữ Hà Nội, Trần Trọng Kiên cũng sở hữu bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh của ĐH Hawaii Mỹ và chứng chỉ Quản trị Tài chính của ĐH Swinburne, Australia.


[Image]
Doanh nhân Việt dám “qua mặt” ông chủ Tây

Tôi đến tìm Trần Trọng Kiên vì một lý do duy nhất, anh là người nổi tiếng trong năm 2011 vì thương vụ mua lại hệ thống Victoria Hotels & Resorts. Nhưng gặp rồi mới biết, ở doanh nhân trẻ này, có rất nhiều điểm thú vị.

1. "Sợ!". Đó là câu trả lời của Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Thiên Minh khi tôi hỏi về cảm giác của anh vào thời điểm Thiên Minh nhận chuyển giao hệ thống Victoria Hotels & Resorts sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thuộc diện đình đám nhất trong năm 2011. Thực ra tôi chờ đợi một câu trả lời khác. Rằng, anh vô cùng tự hào bởi lần đầu tiên một công ty du lịch VN đã "dám" mua lại hệ thống khách sạn của một doanh nghiệp nước ngoài (Công ty EEM Victoria - Hồng Kông). Tất nhiên, làm được điều này cũng một phần là nhờ Thiên Minh nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các quỹ đầu tư. Chỉ riêng Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã hào phóng đầu tư cho anh 12 triệu USD. Nhưng đúng là, chuyện ấy chưa từng xảy ra ở VN. Bản thân tôi đôi lúc cũng tự hào vì điều đó khi nghe được điều này. Vậy mà Trần Trọng Kiên lại sợ.

Anh bảo, sợ không phải vì mình không có kinh nghiệm M&A, mà thực sự chưa bao giờ tham gia một thương vụ lớn như vậy. Lúc ấy, tài sản của Thiên Minh chỉ độ 500 tỷ đồng, vậy mà trị giá của thương vụ lên tới gần nghìn tỷ đồng (45 triệu USD, cộng với phí giao dịch). Thêm nữa, thương vụ ấy liên quan đến quá nhiều người. 1.250 người, anh có thêm từng ấy nhân viên sau ngày 14/2/2011, thời điểm Victoria Hotels & Resorts hoàn toàn thuộc về Thiên Minh.

Lo là phải, bởi dù đã nghiên cứu kỹ từ cuối năm 2009, khi một dịp rất tình cờ đang công du ở London, thì một thành viên Hội đồng quản trị Thiên Minh gọi điện bảo, Victoria muốn bán đó, có mua không, song đâu thể biết hết nội tại thực sự của Victoria thế nào? Liệu ban điều hành khách sạn hiện thời có sẵn sàng hợp tác? Chẳng biết M&A xong, thị trường có tốt không, hoạt động của hệ thống khách sạn đó sẽ ra sao? Liệu có thể hòa nhịp đập của Thiên Minh và Victoria?...

"Nhưng chỉ sau 3-4 tháng, cảm giác ấy không còn. Trả lời được tất cả các câu hỏi trên, tôi biết mình có thể lãnh đạo được hệ thống này", Trần Trọng Kiên tự tin thế và kể rằng, ngay sau khi thương vụ hoàn tất, anh đã bay về TP.HCM và đưa ra một thông điệp rất cụ thể rằng, các hợp đồng, chế độ, chính sách nhân sự của Victoria sẽ được giữ nguyên. Tất cả các vị trí quản lý khách sạn vẫn không thay đổi. "Nếu mình thật sự chuyên nghiệp, có tầm nhìn xa, có cam kết cao, và chẳng bao giờ muốn xóa bỏ một Victoria đã có, thì họ sẽ đồng thuận và ủng hộ", Trần Trọng Kiên nói thế.

Và quả đúng như vậy, sau gần một năm thuộc về Thiên Minh, hệ thống 6 khách sạn với 600 phòng của Victoria, ở Sapa, Châu Đốc, Phan Thiết, Cần Thơ, Hội An (Việt Nam) và Siêm Riệp (Campuchia) đã hoạt động rất tốt. Năm 2011, hệ thống này đóng góp khoảng 40% doanh thu cho Thiên Minh, tức là khoảng 400 tỷ đồng trong hệ thống 1.000 tỷ đồng.

Một thương vụ hời? Trần Trọng Kiên chỉ cười, rất sảng khoái, khi nghe câu hỏi đó. Anh bảo, hời hay không chỉ thị trường mới trả lời được. Còn hiện tại, anh hài lòng với thương vụ ấy, khi một Thiên Minh trẻ trung, thuần Việt đã và đang gắn bó tốt với một Victoria hiện đại hơn và rất Pháp. Trên cái nền tảng ấy, anh hi vọng Victoria sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai và là một bộ phận không thể tách rời của Thiên Minh.

2. Thực ra, thương hiệu Thiên Minh không được nhiều người Việt biết tới. Nhưng Buffalo Tours thì chắc chắn là có. Đó chính là cái gốc đầu tiên của Thiên Minh ngày nay, được thành lập bởi chính Trần Trọng Kiên vào năm 1996, khi anh vừa tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội. Ban đầu, chỉ là ý định rong chơi vài ba năm, rồi lại quay trở về với nghề y, vậy mà công việc cứ cuốn anh đi từ lúc nào không hay. "Cũng tại vì công ty lớn nhanh quá" và "cũng tại được bạn bè ủng hộ rất nhiều".

Làm du lịch chẳng cần có vốn, nếu mình biết tận dụng thị trường ngách. Suy nghĩ thế nên chỉ với 2.000 USD ban đầu, Trần Trọng Kiên đã lựa chọn một thị trường ngách, mà vào thời điểm ấy, ngay cả trên thế giới cũng chưa hẳn đã phát triển. Ấy là du lịch mạo hiểm và khám phá.

Không đưa khách đến những địa điểm lừng danh ở đất Việt, Buffalo Tours chọn Mai Châu, với những đêm - ngày đưa du khách đến từng bản làng theo loại hình du lịch trekking (đi bộ dã ngoại). Rồi lại chọn Hạ Long, với du lịch trên biển bằng thuyền gỗ kayak. "Khách Tây" mê như điếu đổ". Thế là Buffalo Tours nổi như cồn và ... lớn nhanh như thổi.

"Chỉ độ 3-4 năm, tôi biết mình chẳng thể quay lại với nghề y. Đôi lúc cũng chạnh lòng, khi thấy giờ đây, bạn bè nhiều người đã trở thành những chuyên gia đầu ngành, người biết mổ tim qua Xquang, qua siêu âm; kẻ biết thông mạch vành, mà khi xưa khi còn là sinh viên, tôi cũng từng ao ước mình sẽ làm được vậy. Nhưng để nói lời hối tiếc, thì có lẽ là không... ".

Mỗi người đều có quyền lựa chọn con đường đi riêng của mình, quan trọng là đi đúng hướng và thành công. Nếu vậy, đúng là chẳng có gì phải "ngoảnh lại", khi mà giờ đây, Trần Trọng Kiên có trong tay rất nhiều thứ, mà quan trọng hơn hết, là lo được cho 2.000 nhân viên có thu nhập rất tốt.

Này nhé, ngoài một hệ thống Victoria vừa kể, một có một nền tảng quan trọng - Buffalo Tours một năm đưa đón 50.000 lượt khách, doanh thu chỉ trong năm 2011 đã là 600 tỷ đồng. Hồi đầu, tour đi Mai Châu, hay Hạ Long, có khi chỉ 1 ngày, thậm chí chỉ 1 tuần/chuyến, nay một ngày có tới cả năm bảy chục tour.


[Image]Buffalo Tours, Trần Trọng Kiên tự hào lắm để khoe rằng, là thương hiệu duy nhất của Việt Nam có văn phòng tại Australia, Anh, Mỹ, Thái Lan... Thương hiệu ấy được du khách gần xa, cả trong và ngoài nước biết đến. Hệ thống các khách sạn của Thiên Minh cũng làm ăn rất khấm khá. Ngoài ra, Thiên Minh của Trần Trọng Kiên còn có Mai Chau Lodge, Intrepid Vietnam, Jetwing Indochina, ivivu... trong tay, mà không nhiều người biết được điều này.

Và tổng tài sản, chỉ từ 2.000 USD ban đầu, giờ đã lên tới 75 triệu USD. Tất nhiên, không phải tất cả của riêng Trần Trọng Kiên, bởi vì từ năm 2008, anh đã quyết định cổ phần công ty của mình, sử dụng vốn đầu tư của một số quỹ đầu tư nước ngoài, để có thể tiến nhanh, tiến mạnh hơn ở thị trường trong nước và quốc tế.



Ấy là một bước ngoặt quan trọng của Thiên Minh. Những bước ngoặt khác, đó là vào năm 2003, khi ngoài làm du lịch, Thiên Minh đắt đầu chuyển sang kinh doanh khách sạn. Là 2005, bắt đầu hợp tác với quốc tế. Và tất nhiên, một bước ngoặt vô cùng quan trọng, đó là năm 2011 - khi Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn Victoria. Và sau mỗi bước ngoặt, Thiên Minh lại không ngừng trưởng thành? Không, trong mỗi bước tiến ấy, Thiên Minh cũng có những bước đi nhỏ chuệch choạc. Trần Trọng Kiên kể thế.


Ông Trần Trọng Kiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Thiên Minh. Sáng lập ra thương hiệu Buffalo Tours vào năm 1996. Ở VN, ông được xem là người đi tiên phong trong việc đưa du lịch mạo hiểm vào 3 nước Đông Dương. Buffalo Tours hiện là một trong những thương hiệu tổ chức tour du lịch uy tín nhất VN. Bên cạnh đó, Thiên Minh còn sở hữu một loạt các thương hiệu khác như Mai Chau Lodge, Intrepid Vietnam, Jetwing Indochina và Victoria Hotels & Resorts.



Năm 1997 - 1998 chẳng hạn, Thiên Minh cũng tính chuyện đầu tư cho khách hưởng trải nghiệm thú vị là được nhảy dù. Nhưng hơn 1 năm chuẩn bị, bao công sức, tiền của bỏ ra, mà cuối cùng cũng phải thừa nhận, dịch vụ ấy chẳng thể thương mại hóa ở VN. Kế hoạch mở tour du lịch bằng khinh khí cầu cũng thế, rất nhanh chóng thất bại. Rồi ivivu, mở ra từ năm 2006, nhưng cuối cùng cũng là sai thời điểm. Chỉ đến bây giờ, trang web đặt khách sạn trực tuyến này mới có cơ phát triển mạnh mẽ.


"Thất bại là chuyện bình thường. Miễn là có đủ thông minh để biết mình đã sai", Trần Trọng Kiên nói và chẳng ngần ngại thổ lộ, trong tim anh còn ấp ủ nhiều dự định lắm. Bởi bây giờ dừng lại có nghĩa là thất bại. Anh muốn thương hiệu Thiên Minh được mọi người biết đến nhiều hơn. Muốn mở thêm nhiều khách sạn, kiểu "small luxury" (khách sạn sang trọng có diện tích phòng nhỏ), khách sạn boutique 4 sao và khách sạn tiện ích 3 sao. Muốn mở rộng các điểm đến chiến lược, muốn du khách của mình đến được nhiều hơn nữa với TP.HCM, Hà Nội, Siêm Riệp hay Hội An, Luang Phabang (Lào) và cả điểm mới hấp dẫn Sapa, Đồng bằng Sông Cửu Long... Và muốn Victoria Hotels & Resorts sẽ trở thành một thương hiệu 4 sao, gắn kết văn hóa Việt và Pháp, và là một thương hiệu hàng đầu của người VN.


3. Hỏi "muốn" có nhiều thế thì liệu có quá sức, Trần Trọng Kiên bảo, sức người đâu có thể đo đếm được. Điều quan trọng là tầm nhìn của mình, là thấy thị trường còn sẵn sàng cho sự phát triển của Thiên Minh. "Tôi vẫn còn dư sức để chiến đấu nhiều năm nữa", Trần Trọng Kiên cười vang nói.


Cũng phải, năm 2012, Trần Trọng Kiên mới tròn 39 tuổi, đủ độ chín để trưởng thành. Bởi thế, đâu đã dừng lại. Thêm nữa, giờ bên cạnh anh còn rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Lúc khởi đầu, một mình anh lo tiếp thị, đón khách, kiêm cả chân trực điện thoại. Nhưng khi công ty dần lớn lên, quy mô càng lớn thì anh càng được bứt ra những "sự vụ" hàng ngày. Giờ, điều quan trọng với anh là lo vạch chiến lược cho tương lai, lo nhân sự và văn hóa doanh nghiệp. Đó là nền tảng quan trọng để Thiên Minh tiếp tục thành công.

Lại hỏi rằng, nếu được nói về mình, một câu thôi, anh sẽ nói thế nào, Trần Trọng Kiên chỉ cười hiền lành: "Tôi là một người chăm chỉ, cần cù, có tính kỷ luật tốt và có khả năng đoàn kết tốt mọi người trong một tập thể". Với anh, đó là điều quan trọng nhất để trở thành một doanh nhân thành công.
[Image]
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Thiên Minh: Mạo hiểm là phép thử thú vị
|
Đến với du lịch chỉ để kiếm tiền trang trải học phí khi còn học ở Trường Đại học Y Hà Nội, tạo dựng Buffalo Tours và sau đó là Công ty Thiên Minh, cái tên được nhắc đến nhiều trong thời gian qua sau thương vụ M&A trị giá hơn 45 triệu USD với hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng Victoria, vậy mà ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Thiên Minh, vẫn không nghĩ mình có duyên với ngành du lịch...
Khó khăn nhiều, đầu tư cao

* Cho đến nay, thương vụ trị giá hơn 45 triệu USD của Thiên Minh khi sáp nhập hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng Victoria vẫn còn là đề tài bàn luận của những người quan tâm đến M&A. Bốn tháng đã trôi qua nhưng dường như ông vẫn rất hứng thú khi nói về Victoria?
- Thiên Minh đã có ý định và thể hiện quyết tâm mua lại Victoria từ năm 2009, khi đơn vị này tiết lộ muốn bán lại hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do có một số trục trặc nên mãi đến nay thương vụ này mới hoàn tất.
Mất ba năm cho một thương vụ cũng là khá lãng phí thời gian nhưng tôi nghĩ, giá trị của Victoria xứng đáng để Thiên Minh kiên trì theo đuổi. Tiếp nhận Victoria không chỉ mang đến cho tôi sự hứng thú, mà còn là thử thách.

* Thử thách theo ông có phải là thương vụ này tiềm ẩn nhiều rủi ro?
- Trên thực tế, chuỗi năm khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Victoria đã và đang kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên, tám năm qua, không phải do bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế mà chủ đầu tư của Victoria là EEM Hồng Kông đã không đầu tư mở rộng Victoria.
Tôi nghĩ, có lẽ vì lý do cá nhân nhiều hơn và khủng hoảng kinh tế chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly khiến chủ đầu tư quyết định bán hệ thống khách sạn đang chiếm lĩnh những vị trí đắc địa, thu hút được rất nhiều du khách này.
Tôi đánh giá việc mua lại Victoria không mang đến rủi ro, trái lại còn là một bước tiến dài của Thiên Minh. Bước vào giai đoạn mới đương nhiên phải gặp thử thách, chẳng có con đường bằng phẳng dành cho doanh nhân đâu!

* Thuộc về Thiên Minh, hoạt động của Victoria có thay đổi gì không, thưa ông?
- Trong hai hoặc ba năm tới, Thiên Minh sẽ mở rộng hệ thống Victoria không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Victoria sẽ phát triển hơn nhiều nếu có thêm độ chừng ba khách sạn nữa.
Ở Campuchia, Victoria đã có một khách sạn nghỉ dưỡng khá đẹp, hiện Thiên Minh đang đầu tư xây dựng một khách sạn lớn ở Lào. Đây sẽ là bàn đạp để phát triển hệ thống khách sạn của Thiên Minh sang những địa bàn chúng tôi đang khai thác du lịch.

* Năm 2010, du lịch Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước thuộc khối ASEAN về tốc độ tăng trưởng, đứng thứ tư về tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị thế giới trong thời gian gần đây, không thể nói doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ tiếp tục phát triển thuận lợi. Mua lại một hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng lớn của nước ngoài, lại đặt ra kế hoạch phát triển đầu tư cũng lớn, liệu Thiên Minh có đủ nội lực để thực hiện?
- Thị trường du lịch đang “ấm” dần lên. Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, tốc độ phát triển của Thiên Minh đã đạt 19%. Nói vậy không có nghĩa là tôi quá lạc quan. Những bất ổn về kinh tế, chính trị thế giới trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các ngành.
Nhưng quan điểm kinh doanh của tôi rất khác biệt: lúc khó khăn mới phải đầu tư nhiều nhất. Tôi thành lập Buffalo chi nhánh Thái Lan đúng lúc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quốc gia này. Khi đó, du khách sợ, không dám đến Thái Lan, du lịch tại đây bị ảnh hưởng trầm trọng. Vậy mà đến 2010, Buffalo Thái Lan đã có lãi.
Kinh doanh trong môi trường toàn cầu như hiện nay, hơn nhau ở nội lực tài chính không còn giữ vai trò quyết định, mà chiến lược và định hướng mới quan trọng.

Đi qua cửa hẹp

* Vậy Thiên Minh có chiến lược gì để có thể qua mặt đối thủ?
- Từ khi thành lập Buffalo Tours cho đến Thiên Minh với doanh thu 800 tỷ đồng năm 2010 và 2.000 nhân viên như hiện nay là cả một hành trình và dấu ấn của hành trình đó là sự khác biệt.
Tôi không thích đi theo những con đường đã có. Khi thị trường du lịch chưa có dịch vụ tour mạo hiểm và khám phá, tôi xây dựng thương hiệu Buffalo Tours chuyên phục vụ mảng thị trường này.
Tôi phát triển loại hình du lịch đi bộ dã ngoại (trekking) ở khu vực Mai Châu và du lịch trên biển bằng thuyền gỗ kayak tại Hạ Long. Sự đón nhận của thị trường chứng minh tôi đã đi đúng hướng. Mỗi năm chúng tôi phục vụ hơn 80.000 du khách quốc tế đến Việt Nam, đa số chọn du lịch mạo hiểm dài ngày.

* Bây giờ, nhiều đơn vị lữ hành đã triển khai du lịch mạo hiểm. Vậy ông đã có “chiêu thức” nào mới để phục vụ du khách trong thời gian tới chưa?
- Chúng tôi đang triển khai hình thức kinh doanh du lịch qua website. Một công ty con của Thiên Minh sẽ đảm nhận nhiệm vụ này. Hy vọng, với sự phổ biến của internet như hiện nay, hình thức này sẽ hỗ trợ thêm cho sự phát triển của Thiên Minh.
Trong giai đoạn khó khăn này, Thiên Minh sẽ không đầu tư dàn trải, mà chỉ tập trung vào khu vực tăng trưởng nhanh của thị trường.

* Hình như trước đây Thiên Minh đã từng thất bại với hình thức kinh doanh này?
- Chúng tôi ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh du lịch khá sớm, từ năm 2006, dưới hình thức một trang web nhận đặt vé máy bay, khách sạn và các gói tour du lịch.
Do triển khai quá sớm, lúc đó internet chưa phổ biến và người Việt vẫn có thói quen dùng tiền mặt nên dịch vụ này hoạt động không hiệu quả.
Nhưng hiện nay tình hình đã rất khác, rất nhiều người Việt xem sử dụng internet là nhu cầu không thể thiếu và đây chính là môi trường thuận lợi để kinh doanh du lịch trực tuyến.

* Vừa cung cấp dịch vụ lữ hành, vừa kinh doanh khách sạn, dịch vụ vận tải cũng như chuỗi đại lý du lịch khắp Đông Nam Á, nhìn vào sơ đồ tổ chức của Thiên Minh, người ta dễ có cảm giác ông làm nhiều thứ quá?
               
Mở rộng hợp tác với các thị trường du lịch quốc tế

- Trong 10 năm đầu tiên, loại hình kinh doanh chính của Thiên Minh là điều hành các tour du lịch. Mãi đến năm 2004, Thiên Minh mới quyết định da dạng hóa loại hình kinh doanh khách sạn bằng việc mua lại cổ phần của khách sạn Festival Huế.
Chúng tôi hợp tác với Intrepid Travel Pty Ltd, một công ty điều hành tour hàng đầu của Úc, để thành lập Công ty Du lịch Intrepid, mở rộng hoạt động du lịch tại Đông Nam Á. Sau đó xây dựng các khách sạn Mai Châu Lodge, Xieng Thong Palace (Lào)..., bước tiếp theo nữa là mua lại Chợ Lớn Tour...
Thiên Minh hoạt động từng bước, theo sự lớn mạnh của nhu cầu thị trường. Thị trường có nhu cầu mà mình cứ co cụm là thiếu tự tin và tự mình đánh mất cơ hội. Bất cứ doanh nhân nào cũng đều sẽ làm như tôi khi nhìn thấy cơ hội.
Vấn đề không phải là mở rộng bao nhiêu, mà là quản lý những thứ mình mở ra như thế nào. Chưa kể phía sau Trần Trọng Kiên còn là 2.000 người đang miệt mài làm việc. Nhiệt huyết của nhân viên đã cho tôi sức mạnh để đương đầu với những thử thách của thương trường.

Lạc quan có cơ sở

* Ông bảo không thích đi theo những con đường đã có, nhưng ông lại mua lại những công ty đang hoạt động như Chợ Lớn Tour, Victoria. Liệu như vậy có mâu thuẫn?
- Mua bán, sáp nhập trong bối cảnh kinh tế hiện giờ là xu hướng tất yếu. Đây chính là cơ hội dành cho những doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô và giải quyết luôn bài toán doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Rồi sẽ đến lúc Việt Nam có những tập đoàn lớn, đủ sức vươn tầm hoạt động ra thế giới. Thiên Minh đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội để mua bán, sáp nhập thêm. Tôi có cách điều hành riêng nên chẳng sợ sẽ đi lại con đường đã có người mở lối.

* Nói như vậy có nghĩa là Thiên Minh đang trên hành trình “tích tiểu thành đại”?
- Không gói gọn trong phạm vi các nước Đông Nam Á, Buffalo Tours là thương hiệu lữ hành duy nhất của Việt Nam có văn phòng tại Úc, Anh, Mỹ. Chúng tôi muốn tiếp thị trực tiếp đến khách hàng bản địa.
Mục tiêu phát triển của Thiên Minh là toàn cầu hóa và chúng tôi đang cố gắng hết sức để có thể đạt được mục tiêu này. Hiện vốn điều lệ của Thiên Minh chỉ là 500 tỷ đồng, nhưng tôi lại có thuận lợi là được các tổ chức tài chính ủng hộ. Việc mua lại Victoria cũng nhờ IFC hỗ trợ.

* Nhiều khát khao như thế, có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi?
- Cuộc sống có những gam màu nóng, nhưng cũng không thiếu gam màu lạnh. Tôi luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với sóng gió! Ngay cả khi lâm vào tình huống bất lợi nhất, tôi vẫn bình tĩnh tìm giải pháp.
Ví dụ, thị trường bão hòa thì tạo nhu cầu cho khách hàng, tìm lợi thế cạnh tranh cho mình. Đôi khi tôi cũng phải liều mình và không tránh khỏi va vấp, nhưng tôi luôn nghĩ, phải thử mới biết sức mình đến đâu. Không thử thì không có cơ hội nào để thắng!

* Có bao giờ ông tưởng tượng mình trở lại là một bác sĩ, không dính dáng gì đến du lịch?
- Cuộc sống khiến tôi phải lựa chọn và khi đã lựa chọn rồi, ít khi tôi cảm thấy hối tiếc. Như chuyện Tái ông mất ngựa, tôi luôn nhìn thấy những mặt tích cực trong sự việc tiêu cực. Khi mình lạc quan, mọi quyết định sẽ dễ dàng thành công. Tất nhiên, đây là lạc quan có cơ sở, chứ không phải lạc quan một cách vô tư!

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Tham khảo Đatviet, Đầu tư, Doanhnhansaigon
Tags:

Giới thiệu về NguoiThanhCong.net

Là mạng lưới của những người khát khao thành công, chia sẻ câu chuyện của những tấm gương thành công đáng để học hỏi.

0 nhận xét

Leave a Reply