Thanh Nguyễn (Nguyễn Thị Việt Thanh)
■2001: Quản lý Unilever Việt Nam
■2005: Giám đốc Nhãn hiệu khu vực cao cấp Unilever Asia & Amet
■2007: Sáng lập và Giám đốc điều hành Caravat.com
■2011: Sáng lập và Giám đốc điều hành mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe.com
■Lĩnh vực: Internet / Truyền thông trực tuyến, Quản lý, Marketing
■"Còn nhớ những ngày mới chuyển từ một trong những công ty lớn nhất thế giới về lãnh đạo công ty nhỏ nhất thế giới (chỉ có 1 người là tôi) tại Caravat.com, suốt 4 tháng đầu, tôi chỉ cặm cụi nghiên cứu và “vẽ ra giấy” những ý tưởng mà thực tình rất xa lạ với những gì tôi đã được học và có kinh nghiệm trước đó."
Kinh nghiệm lớn nhất: Quản lý cảm xúc bản thân
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Việt Thanh, một trong những người Việt đầu tiên được Unilever cử ra nước ngoài làm quản lý cao cấp phụ trách khu vực châu Á, châu Phi và Trung Đông; “linh hồn” của cổng việc làm trên 1000 USD đầu tiên Caravat.com, và giờ đây tên tuổi gắn liền với Anphabe.com, mạng cộng đồng doanh nhân đang phát triển tại Việt Nam.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc quốc tế cho tập đoàn lớn, sao chị không thích trở thành “người làm thuê số 1” mà lại chọn con đường tự mở doanh nghiệp riêng?
Thực ra tôi đã chia sẻ câu chuyện này khá nhiều nên chỉ xin đúc kết lại bằng một chữ “Duyên”. Tôi không hề cho rằng làm thuê hay làm chủ việc nào tốt hơn mà đơn giản chỉ là chọn con đường nào phù hợp với tính cách và khả năng của mình hơn.
Cuối năm 2007 khi về lại Việt Nam làm việc, đúng là có khá nhiều cơ hội cho tôi tại các vị trí quản lí cao cấp nhưng tôi đã chọn việc tham gia với một người bạn, vốn là sáng lập viên của Navigos Group, để thành lập Caravat.com.
Suy nghĩ của tôi lúc đó khá đơn giản “Cơ hội khai mở một xu hướng mới là không nhiều và xứng đáng để theo đuổi. Nếu mình không dám vượt qua thử thách này bây giờ thì càng ngày sẽ càng khó thoát ra khỏi vùng an toàn của một người làm thuê cao cấp để thử nghiệm con đường của doanh nhân”.
Sau hơn 3 năm hết mình với Caravat.com, tôi đã tự trả lời được câu hỏi mình muốn gì để quyết định tách ra thành lập Anphabe.com – Mạng cộng đồng dành cho các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam – với sứ mệnh kết nối các nhà lãnh đạo – kiến tạo cơ hội cho cộng đồng nhân sự cấp cao.
Khởi nghiệp một doanh nghiệp nhỏ, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành quả hiện nay của chị là gì?
Tôi nghĩ đó là niềm tin vào chính mình. Còn nhớ những ngày mới chuyển từ một trong những công ty lớn nhất thế giới về lãnh đạo công ty nhỏ nhất thế giới (chỉ có 1 người là tôi) tại Caravat.com, suốt 4 tháng đầu, tôi chỉ cặm cụi nghiên cứu và “vẽ ra giấy” những ý tưởng mà thực tình rất xa lạ với những gì tôi đã được học và có kinh nghiệm trước đó.
Những ngày 2 con nhỏ cùng ốm, mình thì “vật vã” không biết làm cách nào để biến những ý tưởng trên giấy thành hiện thực, tôi khóc và thấy thật cô đơn. Thế rồi dường như lúc nào cũng sẽ luôn có một giọng nói tự nhủ với tôi là “Cố lên, mình sẽ làm được”. Chính điều này đã từng bước giúp tôi vượt lên những áp lực tâm lý để tự tin hơn, tìm đến nhiều người có thể giúp đỡ mình hơn và tháo gỡ dần mỗi khó khăn.
Từ quản lý “thuê” đến tự điều hành doanh nghiệp riêng với 20 nhân viên dưới quyền, theo chị cái khó nhất là gì?
Như tôi đã chia sẻ niềm tin vào bản thân là cực kỳ quan trọng, vì thế khó khăn lớn nhất với tôi cũng là làm thế nào để luôn duy trì cách nghĩ và cách sống lạc quan mỗi ngày, hay nói cách khác là quản lý được cảm xúc của bản thân.
Tôi tin rằng thái độ sống của mình không chỉ tác động lên những gì sẽ diễn ra trong cuộc đời mình mà còn tác động rất lớn đến những người xung quanh. Nhất là khi mình là “sếp”, mình đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thêm nguồn năng lượng giúp nhân viên làm việc tốt hơn, nhưng cũng có thể là nguyên nhân khiến họ cảm thấy mệt mỏi và giảm sút năng suất.
Tôi rất thích cuốn “Chuyến Xe Năng Lượng” của Jon Gordon. Tôi học được từ sách là lòng nhiệt huyết và suy nghĩ tích cực có khả năng lan tỏa rất cao. Khi bạn vui vẻ cất tiếng cười, bạn mang lại niềm vui và năng lượng tích cực cho những người xung quanh. Tôi phấn đấu trở thành một “Sếp Năng Lượng” (Chief Energy Officer) để luôn sống và làm việc với tất cả lòng nhiệt huyết.
Chị có thể kể một ví dụ mà việc quản lí cảm xúc này đã phát huy hiệu quả?
Một vấn đề rất lớn của bất cứ doanh nghiệp nhỏ nào là thu hút và giữ chân người tài. Dù môi trường, chế độ và các yếu tố khác tốt đến đâu, thì một lúc nào đó những người giỏi cũng có nhu cầu tìm đến một “cái ao” lớn hơn. Đó là điều tất yếu trong con đường phát triển của mỗi cá nhân. Nhiều khi chỉ cần 1 thành viên chủ chốt này ra đi, doanh nghiệp nhỏ đã có thể lao đao và thậm chí còn có thể đứng trước nguy cơ phá sản.
Khi mới bắt đầu con đường kinh doanh riêng, việc một ai đó bỏ mình ra đi có thể khiến tôi mất ăn mất ngủ một thời gian dài. Về sau tôi phát hiện ra rằng có rất nhiều điều mình lo sợ chỉ là những cái bẫy tâm lý, vì thế khi tập trung vượt qua sự sợ hãi của chính mình, tôi sẽ có thể thấu đáo tìm hiểu sự việc để có những quyết định sáng suốt và thậm chí còn hỗ trợ được cho những người ra đi.
Trong lần chuyển việc gần đây nhất của một cộng sự quan trọng, tôi đã chuẩn bị rất thật tâm cho thay đổi lớn này. Người đi – người ở cùng rất mở lòng, bởi vậy sự bình an lan tỏa đến toàn công ty, không ai cảm thấy mất mát xáo trộn gì đáng kể mà những người ở lại đều cảm nhận đây là cơ hội phát triển mới cho chính họ.
Chồng chị cũng là một lãnh đạo bận rộn. Vợ chồng chị sắp xếp thời gian cho nhau và cho gia đình như thế nào?
Nhiều người cũng hỏi tôi như thế! (Cười). Thực ra tôi vẫn thu xếp được nhiều thời gian cho chồng và cho con đấy. Buổi sáng, chúng tôi cùng nhau đưa 2 con gái đi học (tại 2 trường khác nhau), sau đó tôi đưa chồng đến văn phòng anh ấy trước hoặc ngược lại chồng đưa tôi đến công ty. Từ khi các con đi học đến nay, vợ chồng tôi tự hào là gần như sáng nào các cháu cũng có đầy đủ cả bố và mẹ đưa đến trường.
Sau giờ làm việc, vợ chồng tôi hay đi tập thể dục cùng nhau rồi về nhà ăn cơm và chia nhau mỗi người đọc sách, xem bài cho 1 bé. Cuối tuần là ngày của gia đình. Vợ chồng tôi rất coi trọng giá trị “cùng nhau” (Togetherness) nên hay bày ra nhiều hoạt động chung cho cả nhà như đi chợ, nấu ăn, cắm hoa, xem phim hay đi du lịch…
Mạng cộng đồng: Hút doanh nhân, cơ hội kiếm tiền cho chính... doanh nhân
Ngoài bộ vest lịch lãm, tablet sành điệu, xe hơi sang trọng..., qua các dòng “Sent from my Ipad” , “Sent from my Iphone”... ở cuối một email, doanh nhân Việt còn hiện diện ở Mạng cộng đồng doanh nhân.
Nhìn chung, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến dự đoán mạng xã hội nói chung sẽ còn phát triển mạnh ở VN với rất nhiều tiềm năng. Trong đó, mạng cộng đồng dành cho doanh nhân tuy là thị trường ngách nhưng sẽ là một mảnh đất màu mỡ.
Tại VN, một số mạng cộng đồng định vị riêng cho giới đi làm và doanh nhân bao gồm: Anphabe.com, Motibee, Nes.vn... Chưa kể một số cộng đồng nhỏ hoạt động trên nền LinkedIn như VinaHR (trên 7.700 thành viên), Linkin Vietnam (trên 5.500 thành viên), Vietnam Jobs (trên 4700 thành viên)...
Trên Facebook hiện cũng đang tồn tại một số nhóm nghề nghiệp đáng chú ý như Launch (trên 1.700 thành viên) – một sân chơi dành cho cộng đồng khởi nghiệp tại VN hay Open Consultant (hơn 1.600 thành viên) – cộng đồng Công nghệ thông tin.
Mức ảnh hưởng của quảng cáo trực tuyến lên người tiêu dùng ở Đông Nam Á
Theo bà Thanh Nguyễn – CEO Anphabe.com, thành viên của Anphabe.com đã xấp xỉ con số 20.000, bao gồm các đối tượng có từ 2 - 3 năm kinh nghiệm làm việc trở lên cho đến các cấp quản lý và lãnh đạo DN. Hiện trang này đang tổ chức một số cuộc thi với mục tiêu khuyến khích thành viên mở rộng mạng lưới và xây dựng nội dung, giải thưởng là vé tham dự hội thảo do diễn giả hàng đầu thế giới Brian Tracy trực tiếp huấn luyện vào tháng 12/2011, tổng giá trị giải thưởng lên đến 150 triệu đồng.
Ở góc độ DN, mạng xã hội nói chung và mạng cộng đồng trí thức và doanh nhân nói riêng là một kênh quảng bá thương hiệu, phát triển và chăm sóc mạng lưới khách hàng khá hữu hiệu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có nhiều DN VN thực sự hiểu và sử dụng các kênh này hiệu quả. Theo kết quả khảo sát mới đây của Vinalink, hiện nay mới “chỉ có 1% DN VN quan tâm đến mạng xã hội”.
Trong khi đó, kết quả khảo sát hồi tháng 8/2011 của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, so với mặt bằng chung của thế giới, người tiêu dùng ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các mẩu quảng cáo trực tuyến, đặc biệt là các nội dung quảng cáo có định hướng tới người dùng, thông qua các mạng xã hội.
Rõ ràng, truyền thông tiếp thị thông qua mạng xã hội và các mạng cộng đồng nhắm đến đúng đối tượng mục tiêu của DN là một tiềm năng rất lớn, dự kiến trong tương lai sẽ còn phát triển mạnh mẽ. Tổng giám đốc bộ phận tiếp thị khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Châu Phi của Nielsen, ông David Webb nhận định: “Khi mạng xã hội đang nhanh chóng trở thành các hoạt động chủ đạo trong khu vực, DN cần phải nhanh chóng bắt kịp xu hướng am hiểu và kết nối tới khách hàng của mình khi thực hiện chiến lược quảng cáo, tiếp cận và đối thoại”. Hay nói cách khác, biết khách hàng của anh đang ở điểm A mà không tìm cách đối thoại với họ ở đúng chỗ thì chẳng khác nào DN tự ném tiền qua cửa sổ.
Doanh nhân vốn bận rộn, đồng thời họ cũng là những người có nhu cầu hiện thực hóa bản thân và tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến người khác. Chính vì vậy, trong dòng chảy của mạng xã hội nói chung và mạng cộng đồng doanh nhân nói riêng, họ dường như khó có thể đứng ngoài cuộc.
Đại sứ Thanh Nguyễn: 'Kết nối quan hệ - kết nối kiến thức – kết nối cơ hội – kết nối thành công'
Chị Thanh Nguyễn là một doanh nhân trẻ, đang rất thành công với vai trò CEO của Anphabe.com– một Cộng đồng “chia sẻ thành công” đầu tiên tại Việt Nam dành cho các chuyên gia cao cấp gồm nhiều kênh như hỏi đáp, sự kiện báo chí và chương trình truyền hình.Đến với chương trình “Tự tin vào đời” trong vai trò Đại sứ, chị đã có những chia sẻ hết sức thú vị từ những kiến thức và trải nghiệm của mình.
Khi còn đi học chị định hướng về nghề nghiệp tương lai của mình như thế nào?
Thực ra từ thời còn đi học chị cũng vẫn chưa tìm được cho mình một định hướng rõ ràng cụ thể về việc sau này mình sẽ làm gì, ở đâu. Chị chọn cho mình học trường Ngoại thương vì đây là một trường uy tín, có thể đảm bảo cho chị một công việc tốt khi tốt nghiệp. Sau một thời gian học chị phát hiện ra mình không thực sự thích chuyên ngành xuất nhập khẩu mình đang học nhưng có một điều đặc biệt khi học môn Marketing, chị lại cảm thấy rất thích thú. Chị có cảm giác môn học này đúng với tính cách của mình và thúc đẩy, khai phá được khả năng sáng tạo bên trong chị. Cho nên chị bắt đầu đi từ định hướng đó. Và sau này, khi ra trường chị cũng vẫn phải tiếp tục vừa làm việc, vừa trải nghiệm để tìm cho mình hướng đi chính xác nhất.
Chị có lời khuyên gì cho những bạn sinh viên vẫn đang băn khoăn tìm định hướng cho bản thân?
Trước hết các em cần phải có tinh thần “dám dấn thân”. Trước khi quyết định hướng đi cho mình, các em phải tìm hiểu xem kiểu công việc gì mình thích làm nhất, cái gì mà bản thân mình có thể làm tốt nhất, làm tốt đến nỗi người khác phải trả tiền cho em để em làm điều đó. Các em phải nhớ là “không có lựa chọn nào đối với các em là đúng hay là sai, mà một khi em đã chấp nhận, đã dám quyết định thì em phải dám chịu trách nhiệm với bản thân mình”. Chị tin một khi các em đã dũng cảm lựa chọn và cố gắng làm hết mình thì mọi con đường đều dẫn đến thành công.
Chị thành lập Caravat, và hiện nay điều hành Anphabe, 2 mạng lưới kết nối những doanh nhân lãnh đạo trên khắp Việt Nam. Vì sao chị lại muốn trở thành một người kết nối?
Bởi vì điều đó mang lại niềm vui cho chị và cũng là thử thách nữa. Chị hiểu rằng, cũng như tất cả mọi người, những gì mình không biết luôn luôn nhiều hơn những gì mình đã biết; và trong sự thành công của mỗi người luôn cần có sự hỗ trợ từ nhiều người khác. Chị tin là, khi người ta kết nối các mối quan hệ cũng là kết nối được kiến thức, kết nối được cơ hội. Bản thân chị cũng đã trải nghiệm rất nhiều lợi ích từ các mối quan hệ kết nối đó. Vì thế, cả Caravat lẫn Anphabe được thành lập nên để trở thành nơi xây dựng những cầu nối quan hệ chuyên nghiệp trong kinh doanh và hỗ trợ nhiều người có năng lực tìm đến thành công của họ. Đó cũng là cách để chị có thể tạo ra những giá trị, chia sẻ đóng góp cho mọi người, cho xã hội từ công việc mà mình yêu thích.
Chị là một người rất bận rộn, nhưng tại sao chị lại dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cũng như trải nghiệm bản thân với các bạn trẻ như vậy?
Bởi vì chị cũng đã trải qua những khoảng thời gian như các bạn, cũng đã băn khoăn tìm định hướng cho mình. Và chị nhớ là, lúc còn như các bạn, chị từng ao ước có một ai đó đi trước, có nhiều kinh nghiệm đến chia sẻ với mình một cách chân thành như vậy. Ngoài ra, lý do thứ hai là vì, mong muốn của chị là trở thành một “Người kết nối đắc lực nhất”. Chị cũng cảm ơn chương trình đã cho chị một cơ hội để chị kết nối những kiến thức mà chị có để tạo ra những giá trị cho rất nhiều bạn khác.
Cảm ơn chị.
Tham khảo Phụ Nữ Ngày Nay, Diễn đàn doanh nghiệp, Tự Tin Vào Đời 2011
0 nhận xét