Đỗ Thị Kim Liên - Từ cô giáo dạy văn trở thành Tổng giám đốc công ty Bảo hiểm AAA



■Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 anh chị em ở Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc)
■Là con thứ nhưng lại thường thay bố (lúc đó ở Nga) làm rất nhiều việc giúp mẹ lo chạy chợ.
■Xuất phát điểm là cô giáo dạy văn cấp 2, không hề được đào tạo kinh doanh bài bản, không may mắn, cũng chẳng có nhiều vốn liếng.
■Tập thể AAA của chị từ một văn phòng vỏn vẹn 12m2 với 9 nhân sự và doanh thu năm 2005 mới ở mức khiêm tốn là 5 tỷ đồng thì tới 2008 con số đó đã là 218 tỷ đồng. Chỉ trong 5 năm, Bảo hiểm AAA do chị đứng đầu lại lọt vào top 50 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam
■Hiện là Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Bảo hiểm AAA, Đại sứ danh dự Nam Phi tại TP.HCM.
■Triết lý sống: bình tĩnh; bình tâm; bình thản; bình thường; bình an.
■"Tôi đã chứng kiến quá nhiều bài học rồi và biết chắc chắn rằng, doanh nghiệp sẽ thất bại nếu điều hành bằng tiền và quyền lực. Ngược lại, lãnh đạo có tâm sáng thì sẽ khiến anh em đoàn kết, sức mạnh ấy là khởi nguồn của thành công"

Làm thế nào mà cô giáo ở một thị trấn nhỏ trở thành doanh nhân - chính khách, được hàng triệu người ngưỡng mộ?

Người phụ nữ đa cảm ấy ra đi từ vùng đất của Hai Bà Trưng. Sau nhiều năm tháng gian khổ, chị trở thành người phụ nữ duy nhất của Việt Nam vừa là doanh nhân vừa là chính khách, được hàng triệu người ngưỡng mộ. Chị là Đỗ Thị Kim Liên – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Bảo hiểm AAA, Đại sứ danh dự Nam Phi tại TP.HCM.

Đã hơn 3 năm rồi kể từ khi gánh vác thêm trọng trách làm Đại sứ danh dự Nam Phi tại TP.HCM, chị luôn tỏ rõ khát khao, nghị lực mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Văn phòng Lãnh sự đã rút ngắn khoảng cách về mặt địa lý của hai nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân TP.HCM xin visa đi Nam Phi với thời gian nhanh nhất và tiết kiệm nhất.

Chị sẵn sàng cung cấp thông tin chính thống về kinh tế, văn hóa, đồng thời tiến hành nhiều cuộc đàm phán hợp tác thương mại của doanh nghiệp hai nước. Và hẳn các bạn trẻ sẽ cảm thấy rất thú vị nếu biết rằng, Tổng giám đốc Bảo hiểm AAA có xuất phát điểm là cô giáo dạy văn cấp 2, không hề được đào tạo kinh doanh bài bản, không may mắn, cũng chẳng có nhiều vốn liếng.

Vậy thì vì sao chỉ trong 5 năm, Bảo hiểm AAA do chị đứng đầu lại lọt vào top 50 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam? Câu trả lời hết sức giản đơn, sức mạnh của ý chí và nghị lực đã giúp người phụ nữ đất Bắc vượt qua được chặng đường đầy gian khó ấy để làm nên những kỳ tích ở nơi đất khách quê người.

Một trái tim biết yêu thương, chia sẻ...

Cho dù đích đến có là đâu và người đời có trân trọng gọi chị bằng bao nhiêu danh xưng, thì trở về với đúng bản ngã, cũng là xuất phát điểm của mình, chị là một người mẹ, người vợ bình thường của gia đình. Để rồi, chị đem trái tim của một người mẹ đối đãi với tất cả trẻ thơ sống quanh mình.

Chẳng thế mà suốt mấy năm nay, chị nhận chu cấp hàng tháng cho một em bé mới 4 tháng tuổi cho tới khi trưởng thành, bởi em đã mồ côi cả cha lẫn mẹ trong một tai nạn giao thông.

Quá xót xa trước cảnh phụ nữ và trẻ em đánh đu với số phận trên sông Pô Kô, chị cùng gia đình đã tài trợ đến 1,5 tỷ đồng để chính quyền xây dựng cầu treo.

Rồi mới đây nhất Bảo hiểm AAA cũng bỏ ra gần 1,5 tỷ đồng xây trường mầm non cho trẻ em nghèo ở tỉnh Bình Phước. Và cả những phần quà, học bổng cùng những chuyến đi từ thiện... chị không muốn kể mà chia sẻ bằng chính tuổi thơ thiếu ăn thiếu mặc của 6 chị em mình.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 anh chị em ở Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), Đỗ Thị Kim Liên là con thứ nhưng lại thường thay bố (lúc đó ở Nga) làm rất nhiều việc giúp mẹ lo chạy chợ. Chị chia sẻ: “Gia đình tôi đông anh chị em, bố mẹ đều bận bịu lo kiếm sống, nên chúng tôi phải tự bảo nhau học là chính. Vào thời bấy giờ phấn đấu học hành là khó lắm chứ đâu có điều kiện tốt như bây giờ, thế mà rồi đều nên người cả”.

Dường như được trải qua hoàn cảnh khó khăn ấy mà sau này, khi rời quê vào miền Nam tìm kiếm những cơ hội mới, chị luôn vững vàng với cuộc sống tự lập.

Lý giải về việc mình từng là cô giáo dạy văn, chị tâm sự: “Có lẽ, việc chọn chuyên ngành sư phạm như một mô típ chung của rất nhiều bạn bè cùng trang lứa hồi bấy giờ, hơn nữa, gia đình tôi lại có truyền thống làm giáo viên. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn (ĐH Sư phạm II), đứng lớp giảng bài 3 năm tôi kịp nhận ra mình còn có thể làm được nhiều việc lớn hơn nữa.

Tôi luôn có ước muốn cháy bỏng là được làm một nghề có thể tận dụng hết năng lực, được sống với niềm đam mê, trách nhiệm và có điều kiện thực hiện ước mơ của mẹ khi còn sống là thoát khỏi nghèo đói. Vì vậy, tôi quyết định vào miền Nam với khao khát có thể tự thay đổi cuộc đời mình, cho dù lúc đó hành trang mang theo chỉ là đam mê chứ kiến thức từ thực tế còn sơ sài lắm”.


Chị Đỗ Thị Kim Liên (thứ 3 từ trái sang) trong một chuyến đi từ thiện

Cuộc sống khốn khó với quá nhiều “cám dỗ” như những thử thách ban đầu giúp Đỗ Thị Kim Liên quen dần với cuộc sống tự lập ở Vũng Tàu – một nơi cách quê chị cả nghìn cây số. Tại đây, chị làm thuyết minh tại Viện Bảo Tàng, nhưng kỳ thực, nó cũng chỉ có thể gọi là “trạm dừng chân” của một cô gái mới hơn hai mươi tuổi, bởi sau đó, chị còn chuyển qua khá nhiều công việc khác để mưu sinh.

Sinh ra trong nghèo khó, lại xa quê, xa gia đình nên chị luôn có ý thức phải vươn lên. Quan trọng hơn, khi phải đối mặt với khó khăn xảy đến dồn dập, còn phải biết tránh những cám dỗ. Chị bảo: “Bài học đầu tiên mà tôi rút ra trong quá trình lập nghiệp là phải biết vượt qua mọi cám dỗ. Tôi thấy lòng mình thanh thản vì ngay cả những lúc khó khăn nhất tôi đã tránh được cái bẫy này. Đây cũng là tài sản lớn nhất mà tôi có và nó hình thành từ trải nghiệm thực tế mà không phải ai cũng đủ sức chịu đựng”.

… và triết lý “con người là trung tâm”

Trong thuyết ngũ hành, số 5 được coi là là con số may mắn, bởi nó ứng với chữ sinh – đem lại sự sống, sự trường tồn cho vạn vật. Và như một sự sắp đặt của định mệnh, những triết lý sâu sắc của Đỗ Thị Kim Liên lại ứng với con số 5 ấy, đó là: Bình tĩnh - Bình tâm - Bình thản - Bình thường - Bình an.

Chị bảo rằng, Bình tĩnh là yếu tố quan trọng nhất để vượt qua được những cái mốc sau đó, nhất là với lãnh đạo trong ngành tài chính, phải liên tục đối mặt với nhiều rủi ro, có thể trả giá bằng cả sự nghiệp. Nếu không Bình tĩnh thì khó mà tiến tới Bình an.

Điều đó đã được minh chứng khi nữ TGĐ Bảo hiểm AAA đưa doanh nghiệp này liên tục tăng trưởng với những con số vô cùng ấn tượng. Chị mạnh dạn chọn sự khác biệt trong hướng kinh doanh khi đưa nhiều sản phẩm bảo hiểm mới vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, như bảo hiểm y tế toàn cầu, bảo hiểm du lịch toàn cầu, bảo hiểm mất cắp xe máy, mất cắp điện thoại…

Tập thể AAA của chị từ một văn phòng vỏn vẹn 12m2 với 9 nhân sự và doanh thu năm 2005 mới ở mức khiêm tốn là 5 tỷ đồng thì tới 2008 con số đó đã là 218 tỷ đồng.

Năm 2009, dù phải chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn quốc, Bảo hiểm AAA dưới sự chèo lái của chị vẫn giành được những kết quả khá tốt với doanh thu 320 tỷ và được bình chọn là 1 trong 50 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam.

Năm 2010, chị Liên tiếp tục chèo lái con thuyền AAA vượt qua nhiều ghềnh thác để cán đích với doanh thu 365 tỷ đồng (dự kiến năm 2011 sẽ là 400 tỷ đồng).

Trung tuần tháng 9/2010, Bảo hiểm AAA lại tiếp tục được nhận giải “Thương hiệu nổi tiếng quốc gia 2010” và cá nhân chị được nhận giải “Doanh nhân xuất sắc Đất Việt”. Chị cũng từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều năm liền được trao tặng cúp Bông hồng vàng.


Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên được trao tặng cúp Bông hồng vàng 2010

Theo quan điểm của chị Liên, những thành công ấy là hệ quả tất yếu sau cả một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi của gần hàng trăm thành viên của ngôi nhà AAA, trong đó điều quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết.

Chị Liên trải lòng: “Dù máy móc có hiện đại tới đâu đi chăng nữa thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, vì vậy tôi yêu thích triết lý lấy con người làm trung tâm và tin tưởng điều đó sẽ duy trì được sự phát triển bền vững cho Bảo hiểm AAA trong suốt cuộc hành trình. Với tôi, CBNV dù đang giữ bất kỳ vị trí nào trong Bảo hiểm AAA, kể cả anh bảo vệ hay chị lao công cũng đều có đóng góp vào thành công chung ấy”.

Chị bảo rằng, cuộc sống không phải là một câu chuyện cổ tích, rất khó để cùng lúc giúp đỡ được tất cả những số phận kém may mắn, nhưng vẫn luôn cố gắng bằng một cách nào đó làm cho cộng đồng quanh mình tốt đẹp hơn. “Trên cương vị TGĐ Bảo hiểm AAA và Lãnh sự Danh dự Nam Phi tại TP.HCM, tôi có thể hoạch định sát sao những chiến lược cho mình. Nhưng ở khía cạnh của một con người, được trở về sống đúng với trái tim mình, thì công tác từ thiện là cái cần làm và nên làm. Chỉ cần có khả năng là tôi vẫn sẽ làm”, chị Liên chia sẻ.

Con người này, tâm thế này ngồi ở chiếc ghế TGĐ Bảo hiểm AAA, có quyền năng đem may mắn của bản thân và số đông chia sẻ với bất trắc của số ít, đã làm dấy lên tiếng đồn về cách hành xử rất lạ, như tăng lương cho những nhân viên lẽ ra phải bị… sa thải, biến số điện thoại di động của mình thành đường dây nóng 24/24 để gỡ rối tơ lòng, quyết định chi xuất bồi thường cho những trường hợp… không có trong hợp đồng của Bảo hiểm của AAA.

Giờ đây khi nói tới Đỗ Thị Kim Liên, người ta thường bảo chị có một khả năng kỳ lạ, rất nhiều đồng nghiệp luôn tìm kiếm những ẩn số đã làm nên dấu ấn đậm nét của chị ở Bảo hiểm AAA.

Có một điều khá thú vị là Đỗ Thị Kim Liên sinh ra và lớn lên trên đất Bắc, nhưng lại đang rất thành công tại TP.HCM. Ai đó đã nói rằng, Đỗ Thị Kim Liên có duyên với đất Sài Gòn hoa lệ, nhưng với chị thì lại là cả một quá trình phấn đấu trong gian khổ để có được sự kết hợp tuyệt vời giữa khả năng phân tích thị trường nhạy bén của phương Tây và văn hóa làm việc mềm dẻo nhưng quyết đoán và chắc chắn của phương Đông.

Chị cũng luôn cần mẫn và giản dị, trung thực và thẳng thắn, cẩn trọng nhưng cũng liều lĩnh, thông minh và đầy tham vọng. Nhiều người đánh giá chị là người điều hành số một tại Bảo hiểm AAA không chỉ bởi những chỉ số tăng trưởng bền vững của thương hiệu này trong suốt hơn 5 năm qua, mà trên hết đó còn là bài học sống về sự cần cù, khát vọng sống, lòng kiên định, chữ tín và ý chí vươn tới thành công.

Chị Liên chia sẻ: “Thực lòng, vì đã trải qua những tháng ngày vô cùng khó khăn, nên tôi rất cảm thông với anh chị em đang làm việc tại Bảo hiểm AAA. Nhìn vào hoàn cảnh của họ, tôi như lại thấy chính mình ngày xưa, vì thế tôi luôn khích lệ họ phải phấn đấu từng phút, từng giờ để trở thành những cán bộ xuất sắc, có đóng góp lớn cho Bảo hiểm AAA.

Có hai câu ngạn ngữ mà tôi rất thích và muốn chia sẻ cùng các bạn trẻ đó là "Điều chắc chắn nhất trên đời là không có gì chắc chắn cả" và "Kinh doanh mà chỉ làm ra tiền thôi thì chưa phải là kinh doanh".

Tôi đã chứng kiến quá nhiều bài học rồi và biết chắc chắn rằng, doanh nghiệp sẽ thất bại nếu điều hành bằng tiền và quyền lực. Ngược lại, lãnh đạo có tâm sáng thì sẽ khiến anh em đoàn kết, sức mạnh ấy là khởi nguồn của thành công”.


Bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA: Phải hoàn thiện mình vì khách hàng

Để khẳng định vị thế trên thương trường, các doanh nghiệp không thể tự hài lòng với những gì đang đạt được. Trái lại, khi đã thành công, các nhà quản trị doanh nghiệp càng phải tạo ra lối đi riêng để hoàn thiện chất lượng dịch vụ của mình. Câu chuyện về cách thức quản trị doanh nghiệp theo hướng mở rộng tiếp nhận phản ánh từ khách hàng đã được doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA (ảnh) chia sẻ xung quanh thời điểm công ty này vừa ban hành “Quy tắc ứng xử và Giao tiếp với khách hàng”.

* Thưa bà, xuất phát từ đâu mà Bảo hiểm AAA ban hành “Quy tắc Ứng xử và Giao tiếp với khách hàng”? Phải chăng đây là cách doanh nghiệp tự răn đe, chấn chỉnh hoạt động của mình?

- Bà Đỗ Thị Kim Liên: Từ bài học vỡ lòng cấp 1, chúng ta đã học “Năm điều Bác Hồ dạy” để hình thành nhân cách một con người, công dân của nước Việt Nam. Bảo hiểm AAA trước đây đã có những quy tắc, nội quy buộc mọi nhân viên phải nắm rõ. Việc ban hành thêm quy tắc mới là mong muốn của cá nhân tôi cũng như tập thể 700 con người trong ngôi nhà chung Bảo hiểm AAA nhằm phục vụ một cách tốt nhất cho khách hàng.

Theo tôi, làm bảo hiểm hay bất kỳ nghề gì cũng vậy, nếu không lắng nghe từ cộng đồng, không nghe khách hàng của mình thì chẳng khác gì chúng ta đang tự mãn. Điều đó rất nguy hiểm. Nghề bảo hiểm tựa như cô gái làm dâu trăm họ vậy. Chắc chắn sẽ có những lúc chúng tôi không tránh khỏi sai sót vô tình làm khách hàng buồn phiền, không hài lòng. Chính vì điều này, khiến chúng tôi luôn day dứt và trăn trở. Bởi lẽ, chúng tôi hiểu rằng nếu không được sự hậu thuẫn của khách hàng và từ cộng đồng sẽ không thể thành công được. Qua quy tắc mới này, chúng tôi thực sự muốn nghe những phản ánh của khách hàng về cung cách cư xử của nhân viên chúng tôi. Từ đó, Bảo hiểm AAA sẽ rà soát và chấn chỉnh ngay những thiếu sót và nâng dần chất lượng quản trị doanh nghiệp.

* Rất hiếm doanh nghiệp lập riêng một quy tắc về cách ứng xử và giao tiếp khách hàng, bởi lẽ, ngày nay các doanh nhân phải quan tâm nhiều hơn đến định hướng kinh doanh. Phải chăng quy tắc mới có phần “nghiêng” về khách hàng này sẽ “làm khó” cho Bảo hiểm AAA?

- Bản thân tôi cũng là khách hàng, từng là một nhân viên bảo hiểm, nhân viên đi giám định bồi thường… Tất cả bức xúc của khách hàng trở thành kinh nghiệm xương máu và thôi thúc tôi phải làm được điều gì đó.

Tôi có nhiều bạn bè cũng là khách hàng của Bảo hiểm AAA. Nhiều người tin tưởng và an tâm khi chọn lựa chúng tôi và nói rằng: khi nói đến bảo hiểm thì người ta nghĩ ngay đến Bảo hiểm AAA. Điều đó càng khiến chúng tôi bằng mọi giá phải tạo ra cung cách phục vụ tốt nhất và đón nhận ý kiến đóng góp của khách hàng, dù thời điểm này kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo tôi, sự sống còn của doanh nghiệp không phải là lợi nhuận bao nhiêu, không chỉ là kế hoạch kinh doanh dài hạn. Mà thiết thực hơn, mỗi doanh nghiệp phải cân bằng được lợi ích của mình với trách nhiệm, sự uy tín từng cam kết với cộng đồng. Khi mình làm tốt thì đương nhiên lợi nhuận sẽ có.

Nói cách khác, chúng tôi tự hào là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên mạnh dạn công khai chính sách tiếp nhận đóng góp phản ánh đa chiều từ khách hàng. Lãnh đạo công ty cam kết giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý mọi phản ánh này. Cụ thể, chúng tôi buộc nhân viên và đại lý phải tuân thủ các quy tắc như: Trọng thị và đáp ứng nhanh chóng mọi yêu cầu của khách hàng; Trước khách hàng phải biết tự trọng và lắng nghe, ghi nhận mọi góp ý của khách hàng.

Nếu khách hàng có điều gì chưa hài lòng, nhân viên nào đó của công ty sách nhiễu, hoặc cần tư vấn, chỉ cần gọi vào số tổng đài 1800 1528 để phản ánh với bộ phận chăm sóc khách hàng. Đường dây nóng này trực 24/24 kể cả ngày lễ tết và hoàn toàn miễn phí.

Khi tiếp nhận phản ánh này, chúng tôi sẽ rà soát lại và cho đội Phản ứng nhanh (ảnh trên) giải quyết kịp thời. Còn về quản trị nội bộ, thực ra sau 4 năm hoạt động, Bảo hiểm AAA đã sàng lọc và chọn ra những người thực sự có năng lực, biết giữ chữ Tâm với nghề. Thực tế cho thấy, mọi anh em trong công ty, các hệ thống đại lý trong toàn quốc rất phấn khích và nhiệt tình hưởng ứng quy tắc mới này khiến chúng tôi thấy tự tin hơn.

* Theo bà, thế nào là sự chuyên nghiệp trong kinh doanh?

- Mọi doanh nghiệp đều muốn hoạt động của mình được đánh giá là chuyên nghiệp, từ cung cách phục vụ, thái độ lịch sự, trang phục của nhân viên… Tuy nhiên theo tôi, sự chuyên nghiệp còn yếu tố quan trọng nhất chính là cách quản trị doanh nghiệp theo nguyên tắc chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình xuất phát từ nhu cầu thực tế của khách hàng.

Tại Bảo hiểm AAA, sự chuyên nghiệp được hình thành khi nhân viên đứng trước khách hàng phải thể hiện đủ bản lĩnh của người có tri thức, tự tin tư vấn tất cả những gì khách hàng cần. Thí dụ như khách hàng hỏi: “Tôi tham gia dịch vụ tại đây thì tôi được gì, trách nhiệm của tôi đến đâu và nghĩa vụ của công ty bảo hiểm như thế nào?” thì nhân viên tư vấn phải trình bày đầy đủ từ A đến Z.

Ngoài ra, cách giải quyết những rủi ro cho khách hàng sẽ khẳng định uy tín doanh nghiệp bảo hiểm lâu dài. Vì ban đầu anh tư vấn hay lắm, thích lắm nhưng sản phẩm bảo hiểm lại là “vô hình” nên khi vấn đề rủi ro xảy ra cho khách hàng thì mới biết sản phẩm này có thực sự tốt hay không. Sự chuyên nghiệp ở đây chính là cách kết nối giữa người bán bảo hiểm và phương thức giải quyết về vấn đề bồi thường sau này cho khách hàng.


Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch, Tổng giám đốc Bảo hiểm AAA: Kinh doanh bảo hiểm là ngành nhân văn

“Kinh doanh bảo hiểm là ngành nhân văn, lấy sự may mắn của nhiều người chia sẻ cho số ít người không may mắn”, quan niệm ấy đã đưa cô giáo Đỗ Thị Kim Liên trở thành doanh nhân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm AAA.
Sau 7 năm hoạt động, dù lợi nhuận còn khiêm tốn, song với Đỗ Thị Kim Liên, giá trị lớn nhất mà AAA có là tạo dựng được niềm tin của khách hàng.
Kinh doanh nhân văn

Đang đứng trên bục giảng, cơ duyên nào đã đưa bà đến với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm?

Tôi xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm giáo dục. Theo sự hướng nghiệp của gia đình, tôi thi và học Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II. Dù rất yêu nghề, nhưng thú thật, câu chuyện cơm áo gạo tiền luôn chật vật, vì đồng lương ít ỏi. Sự khó khó khăn, thiếu thốn về vật chất đã khiến tôi suy nghĩ, mình phải làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống.

Nghĩ là làm. Sau gần 3 năm đứng trên bục giảng, tôi quyết định vào Nam lập nghiệp. Để kiếm sống, tôi đã làm khá nhiều công việc, trước khi vào làm cho công ty kinh doanh bảo hiểm.

Khi dấn thân vào lĩnh vực này, tôi nhận ra một điều, nếu như nghề nhà giáo là nghề cao quý, thì bảo hiểm là ngành mang tính nhân văn cao, lấy sự may mắn của nhiều người chia sẻ cho số ít người không may mắn. Sau nhiều năm lăn lộn, nhờ nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của nhiều người, tôi đã lập ra Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA.

Những năm qua, “đứa con” đầu lòng ấy của bà đã sống thế nào?

Năm nay, AAA bước sang năm tuổi thứ bảy. Đó là khoảng thời gian không quá dài đối với một doanh nghiệp bảo hiểm. 7 năm qua, chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu, mở rộng mạng lưới phát triển kinh doanh, đặt nền móng cho phát triển bền vững chắc, như đầu tư về công nghệ, đầu tư cho con người, sản phẩm…

Bảo hiểm là ngành kinh doanh đặc thù, kinh doanh có điều kiện, phải trích rất nhiều loại quỹ, dự phòng trước những rủi ro trong hoạt động, nên AAA chưa đạt nhiều lợi nhuận. Nhưng đến nay, thành quả của AAA mà ai cũng nhìn thấy được, là từ một thương hiệu mới mẻ, thương hiệu Công ty đã được nhiều người biết đến, ghi nhận và tin dùng.

Một “lính mới” trong lĩnh vực bảo hiểm như AAA đã xoay sở thế nào với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính vừa qua, thưa bà?

Đối với ngành bảo hiểm, chỉ cần tuân thủ quy định, làm đúng các chức năng của doanh nghiệp bảo hiểm thì các công ty bảo hiểm là “vua” tiền mặt. Do đó, mặc dù có bị chao đảo bởi nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, nhưng đến thời điểm này, các công ty bảo hiểm có mặt tại thị trường Việt Nam vẫn tồn tại khỏe mạnh.

Bản thân AAA, tuy lợi nhuận chưa cao, song chúng tôi vẫn đảm bảo cho cán bộ, công nhân viên trong Công ty được hưởng những chế độ, chính sách phù hợp với quy định của nhà nước, của công ty ban hành; tuyệt đối không nợ lương, giảm lương, cắt thưởng hay nợ phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Bộ Tài chính đang dự thảo nội dung tái cấu trúc để cải thiện sức khỏe của các doanh nghiệp bảo hiểm. Đối với AAA thì sao?

Theo tôi, việc tái cấu trúc là cần thiết và cấp bách, nhằm lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm. Một doanh nghiệp sau những năm đầu xây dựng bộ máy và cơ cấu hoạt động, đến một giai đoạn nào đó, cũng phải thẳng thắn nhìn lại và tìm ra những lỗ hổng trong công tác quản lý của mình, để có sự điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng.

Thời nào cũng thế, đã cương quyết cải cách toàn bộ hệ thống thì không thể tiếp tục chấp nhận tồn tại một bộ máy hoạt động quá yếu kém, mà cần tinh lọc để có được đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn, thạo việc, có tâm huyết và lòng trung thành. Vì thế, khi tiến hành tái cấu trúc, khó tránh khỏi những ý kiến trái chiều trong nội bộ doanh nghiệp.

Tại AAA, chúng tôi đang có kế hoạch ký kết hợp tác với các chuyên gia nước ngoài tham gia huấn luyện, đào tạo đội ngũ lãnh đạo, nhân sự nguồn của Công ty; từng bước thay đổi nhận thức, tư duy và văn hóa ứng xử của cán bộ.

Từ đó, người tư vấn bảo hiểm có thể thay đổi nhận thức của khách hàng, giúp khách hàng có được sự lựa chọn thông minh, đưa ra những kế hoạch chi tiêu hợp lý, mà vẫn đảm bảo được quyền lợi cũng như tài chính của mình.

Ngoài ra, chính sách mới của chúng tôi trong giai đoạn quyết định này còn hướng đến một đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, đó chính là các em bị khuyết tật. Trí tuệ và hoài bão của các em sẽ được AAA chắp cánh, tỏa sáng khi đặt các em vào những công việc phù hợp với khả năng.

Trên tinh thần đó, chúng tôi tuyển dụng 30 nhân sự khuyết tật, đã được huấn luyện chuyên sâu về các nghiệp vụ, hiện các em đang sẵn sàng làm việc bất cứ lúc nào với một quyết tâm cao.

Đây cũng là sự khác biệt mà bảo hiểm AAA đã làm, với mong muốn chia sẻ nhiều hơn nữa cơ hội nghề nghiệp cho các em kém may mắn trong cuộc sống.

May mắn khi được kinh doanh

Ngoài cương vị là một doanh nhân, từ năm 2009, bà được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự của Nam Phi tại TP.HCM. Sau những năm giữ vai trò ngoại giao này, bà có cảm nhận gì?

Tôi có cả niềm vui, lẫn trăn trở. Vui là vì, mình thực sự thích thú với công việc này và ít nhiều đã tạo được nhịp cầu nối giữa các doanh nghiệp giữa hai nước. Song thực tế, vẫn còn những rào cản để việc giao thương giữa hai nước phát triển.

Nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Nam Phi và ngược lại rất nhiều, nhưng hiện tại, chúng ta chưa có những thông tin chính thống, nên nhiều doanh nghiệp còn e ngại, chỉ sang tìm hiểu rồi về, chưa quyết định đầu tư.

Vậy lĩnh vực nào sẽ mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam sang Nam Phi, thưa bà?

Đó là nông nghiệp. Nam Phi có đất đai vô cùng rộng lớn, nhưng an ninh lương thực chưa được đảm bảo, do đó, họ đang rất cần sự hỗ trợ từ Việt Nam để phát triển nông nghiệp. Sẽ cực kỳ hấp dẫn nếu chúng ta đưa được những chuyên gia  giỏi và nhân lực sang hợp tác, hỗ trợ Nam Phi trồng lúa, làm nông nghiệp.

Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng tiềm năng có thể xuất sang Nam Phi, như gạo, cà phê, hạt điều. Họ thừa nhận gạo Việt Nam ăn rất ngon, nhưng hơi đắt, nên chưa cạnh tranh được vị trí xuất khẩu gạo với Ấn Độ, Thái Lan. Các doanh nghiệp Nam Phi cũng rất quan tâm tới thị trường gỗ tại Việt Nam, do họ có rất nhiều gỗ.

Với lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, tôi được biết phía Nam Phi cũng rất chăm chú quan sát chúng ta. Cách thức và kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng của Việt Nam sẽ là cơ sở để họ đưa ra những quyết định hợp tác sắp tới. Tôi hy vọng có thể chia sẻ, trao đổi thêm với họ về điều này.

Trở lại với vị trí một “nữ tướng” trong kinh doanh, có lúc nào bà cảm thấy băn khoăn với những “được”, “mất”?

Tôi quan niệm, nữ giới hay nam giới, đã chấp nhận chọn con đường kinh doanh thì đương nhiên là phải đối đầu với gian nan và vất vả. Đất nước gần 90 triệu dân, chỉ có mấy trăm nghìn doanh nghiệp, tôi tự thấy mình may mắn khi được nằm trong số đó.

Làm kinh doanh, tôi được là chính tôi, được thực hiện những đam mê, biến những ước mơ trở thành hiện thực, được sờ vào những thành quả do chính mình làm ra, được truyền lửa, chia sẻ những thơm thảo cho mọi người. Cái được lớn nhất là tôi được sự tôn trọng của cộng đồng xã hội.

Qua chừng ấy thời gian lăn lộn trên thương trường, bà đã cảm thấy bớt áp lực hơn trước?

Kinh nghiệm trong thương trường sẽ tăng dần theo thời gian, nhưng nếu bằng lòng với những gì mình đã có, nghĩa là ta đang dừng lại. Thỏa mãn chính là kẻ thù trong kinh doanh.

Nhưng tôi cũng không là người thích tự tạo áp lực cho mình, mà luôn tìm giải pháp để giải tỏa áp lực.

Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên:

  • Sinh tại huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay là Mê Linh, Hà Nội), là con thứ tư trong gia đình có 6 anh, chị em.
  • Triết lý sống: bình tĩnh; bình tâm; bình thản; bình thường; bình an.
  • Tâm niệm: “Cuộc sống không phải là một câu chuyện cổ tích, rất khó để cùng lúc giúp đỡ được tất cả những số phận kém may mắn, nhưng vẫn luôn cố gắng bằng một cách nào đó, làm cho cộng đồng quanh mình tốt đẹp hơn”.
  • Trong nhiều năm liền, bà Đỗ Thị Kim Liên là doanh nhân nhận Giải Bông hồng vàng, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng.
  • Công ty bảo hiểm AAA và cá nhân bà Đỗ Thị Kim Liên được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Lễ đón nhận Huân chương Lao động sẽ diễn ra ngày 21/4/2012 tại khách sạn Daewoo, 360 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.
  • Mới đây nhất, với mục tiêu tăng cường dấu ấn tại thị trường châu Á, Công ty Bảo hiểm IAG (Australia) có kế hoạch sẽ nắm giữ 30% cổ phần  của AAA (trị giá gần 20 triệu USD), sau khi Công ty phát hành thêm cổ phiếu mới, nâng tỷ lệ nắm giữ của AIG tại AAA lên 49%.


Tham khảo Báo Đầu Tư, Giáo Dục Việt Nam, Sài Gòn Giải Phóng
Tags:

Giới thiệu về NguoiThanhCong.net

Là mạng lưới của những người khát khao thành công, chia sẻ câu chuyện của những tấm gương thành công đáng để học hỏi.

0 nhận xét

Leave a Reply