Nguyễn Đức Tài - CEO Thế Giới Di Động (thegioididong.com)


CEO Nguyễn Đức Tài
■Năm 1995: từ Pháp trở về với tấm bằng thạc sĩ ngành tài chính
■Năm 2003: từ bỏ vị trí giám đốc tài chính của một tập đoàn Thụy Sĩ
■Năm 2004: Thế Giới Di Dộng ra đời
■"Tôi thấy CEO giỏi cần có chữ tín và sự thành tâm. Coi trọng chữ tín, họ sẽ nói gì làm nấy mà không cần những lời hoa mỹ."

TT - Trong khi số lượng cửa hàng của thương hiệu Thế Giới Di Động tăng gấp đôi so với sáu năm trước, thì nơi làm việc của Nguyễn Đức Tài - CEO (tổng giám đốc điều hành) của nhãn hàng này - chỉ là căn phòng bé xíu ở tầng 5 tòa nhà E.Town 2 (quận Tân Bình, TP.HCM).

Căn phòng toàn sách là sách. Anh nói: “Mình thích đọc loại sách giúp hiểu về con người”.

Quăng quật bầm giập

Năm 1995, Nguyễn Đức Tài từ Pháp trở về với tấm bằng thạc sĩ ngành tài chính và được một tập đoàn Thụy Sĩ mời chào. Làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, nhưng vì khao khát khẳng định bản thân nên Tài từ bỏ vị trí giám đốc tài chính sau tám năm gắn bó. Anh tự mình khởi động dự án kinh doanh nhượng quyền bất động sản. Học hành bài bản, kinh nghiệm đầy mình nên hồi ấy Tài khá kiêu căng: “Một mình làm cũng được, chẳng cần hợp tác với ai!”.

"Tôi từng trả giá cho tính kiêu căng thời khởi nghiệp non dại. Cuộc sống, thương trường biến động không ngừng nên sự học hỏi cũng không thể dừng lại. Cuối cùng, nếu bạn đến với nghề chỉ vì cái hư danh “nổi tiếng” thì cũng sẽ sớm bỏ cuộc chơi" - Nguyễn Đức Tài

Nhưng Tài thất bại ê chề, anh trở lại phận làm thuê. Anh tìm đến một công ty điện thoại để “học nghề”. Làm ở bộ phận hoạch định chiến lược, Tài có cơ hội tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm chốn thương trường và tiếp cận các thông tin về thị trường điện thoại di động. Bài học từ thất bại cũ và mớ “vốn liếng” mới đã động viên Tài trở lại “đường bay” lần nữa, nhưng lần này không chơi một mình: anh và nhóm bạn vạch ra dự án kết hợp giữa trang web trực tuyến với một hệ thống bán lẻ điện thoại di động.
Họ mở ba cửa hàng và hồi hộp chờ đợi. Số lượng người truy cập trang web tăng vùn vụt, người ta cũng ùn ùn đến các cửa hàng nhưng... không chịu mua. Hỏi đi hỏi lại mới biết tuy trang web thu hút nhưng các cửa hàng lại quá “bèo”, khách hàng không tin. Làm lại lần nữa, họ chỉ mở một cửa hàng duy nhất nhưng với diện tích lớn hơn, hàng hóa nhiều hơn, chất lượng phục vụ cũng khác. Đến cuối năm 2010, thegioididong.com có 80 siêu thị, nhưng đến giờ đã tăng lên 160 và dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ là 200 siêu thị “phủ sóng” toàn quốc.

Con người, chữ tín và sự thành tâm

Tăng gấp đôi số lượng siêu thị trong thời buổi mà nhiều doanh nghiệp khác phải co cụm lại liệu có quá phiêu lưu? Nguyễn Đức Tài giải thích: “Chúng tôi từng thu hẹp kinh doanh trong năm 2009. Nhưng bây giờ tiềm lực công ty đã khác nên là thời cơ để tăng tốc. Vì theo các kết quả khảo sát, dù có khó khăn nhưng người tiêu dùng vẫn mua sắm các thiết bị di động cá nhân, đặc biệt là laptop và điện thoại di động. Hơn nữa, cho tới đầu năm 2011, hàng chục tỉnh thành vẫn còn là “vườn không nhà trống” chờ đón những dịch vụ chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc cũng tạo thêm cơ hội cho những doanh nghiệp “lì đòn”. Và điều quan trọng nhất là chúng tôi có một đội ngũ với động lực vượt trội”.

Nói về đội ngũ của mình, Nguyễn Đức Tài cho biết: “Ngay từ đầu chúng tôi đã có ý thức xây dựng hệ thống quản trị khoa học, trong đó ứng dụng tối đa công nghệ thông tin. Nhưng hệ thống đó cũng chỉ là công cụ, còn quản trị nhân sự chủ yếu là “phần hồn” với các giá trị cốt lõi như trung thực, uy tín, trách nhiệm, tinh thần đồng đội, sự thành tâm. Các giá trị này đã được thử thách từ thực tế. Chúng định hướng cho mọi hành xử của nhân viên và các cấp quản lý, biến họ thành cùng “hệ”. Nhờ vậy mới quản lý nổi 8.000 nhân viên mà không cần giáp mặt nhau, ngược lại thì dù “đeo sát da” nhân viên cũng không quản lý nổi họ”.

Là một CEO khá thành công cho tới thời điểm này, Nguyễn Đức Tài bày tỏ: “Khi nói về các CEO, người ta hay đề cập đến các phẩm chất như tầm nhìn xa, sáng tạo, có sức khỏe, trách nhiệm xã hội... Từ thực tế, tôi thấy CEO giỏi cần có chữ tín và sự thành tâm. Coi trọng chữ tín, họ sẽ nói gì làm nấy mà không cần những lời hoa mỹ. Còn thành tâm là sự quan tâm từ trái tim dành cho người khác, chứ không phải là một biện pháp kỹ thuật cốt để giữ người. Ví dụ như anh cho nhân viên mượn tiền mua xe vì anh muốn làm thế, chứ không buộc người ta ký hợp đồng làm việc cho công ty vài ba năm”.


Ông Nguyễn Đức Tài - Tổng giám đốc Công ty CP Thế Giới Di Động: Dẫn đầu, nhưng đích đến còn xa

Chính thức có mặt trên thị trường từ năm 2004, Thế Giới Di Động là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong lĩnh vực cung cấp thiết bị di động đầu cuối. Trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, tăng trưởng doanh thu của Thế Giới Di Động vẫn đứng ở mức 200%, từ dưới 1.000 tỷ đồng năm 2007 lên 3.000 tỷ đồng năm 2010 và dự kiến sẽ đạt 6.000 tỷ đồng trong năm nay. Nhưng tham vọng của Tổng giám đốc Thế Giới Di Động và các cộng sự không chỉ dừng lại ở lĩnh vực điện thoại di động mà phát triển sang cả ngành điện máy vốn đang gặp nhiều thách thức.


Ông Nguyễn Đức Tài - Tổng giám đốc Công ty CP Thế Giới Di Động

Dám đầu tư
* Trong “làng điện thoại di động” đang râm ran thông tin Thế Giới Di Động mua tên miền “điện máy” với giá 10 tỷ đồng. Điều này có đúng không, thưa ông?
- Không hẳn vậy. Tên miền là chúng tôi mua thật nhưng giá ấy là do những người trong giới thẩm định thôi. Dienmay.com dùng để thay thế thương hiệu Thegioidientu.com mà chúng tôi đã khai sinh vào cuối năm 2010.
Ngoài thay đổi về thương hiệu, website www.thegioidientu.com cũng đươc đổi thành www.dienmay.com đồng thời thay đổi toàn diện về cấu trúc, chức năng nhằm mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực kinh doanh online của Dienmay.com trong thời gian tới.

* Đang rất thành công trong việc kinh doanh điện thoại di động, vì sao ông lại “lấn sân” sang điện máy, một lĩnh vực không phải là thế mạnh của mình, hơn nữa, lại đang bị xem là ngành kinh doanh rất khó khăn?
- Theo tôi nghĩ, kinh doanh điện máy có thách thức, có rủi ro, có cạnh tranh nhưng cũng có nhiều cơ hội. Thị trường điện máy có quy mô lớn gấp 3 lần điện thoại, nhưng số người kinh doanh điện thoại lớn gấp 10 điện máy. Riêng ở TP.HCM, số lượng các siêu thị điện máy chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng số điểm kinh doanh ĐTDĐ thì gấp vài chục lần số con số đó.
Tuy ít cạnh tranh hơn, nhưng thị trường điện máy hiện nay cũng giống như thị trường điện thoại năm 2008. Nó giống như một con sông bị khuấy đục ngầu. Con tôm nào thiếu dưỡng khí sẽ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, con nào có sức chịu đựng để đến khi nước lắng lại sẽ ngoi lên và thỏa sức vẫy vùng. Sau thời gian sàng lọc, ai có năng lực thực sự, ai giỏi thật sự sẽ trụ lại và thị trường đi vào trạng thái lành mạnh: đó là sản phẩm tốt, giá bán tốt và dịch vụ tốt.
*Trong thị trường như thế mà ông và các cộng sự vẫn quyết định dồn lực cho Dienmay.com. Ông không sợ sẽ như trường hợp của Wonderbuy sao?
- Tôi cho rằng, thời điểm này vừa là cơ hội vừa là đe dọa. Nó sẽ là cơ hội cho những người biết đường đi nước bước và có sức lực nhất định. Thị trường ĐTDĐ cũng đã trải qua giai đoạn này. Cũng đã có người phải rời bỏ cuộc chơi và những người còn lại đã ngày càng lớn mạnh hơn.
Kinh doanh thì không ai có thể nói chắc chắn 100% mình sẽ thành công. Bản thân việc kinh doanh cũng đã bao hàm cả rủi ro nhưng chúng tôi tin vào khả năng, vào định hướng của mình. Trong khó khăn cũng song hành những cơ hội và ai thấy cơ hội, biết khai thác cơ hội, người đó sẽ thành công. Nhưng ngược lại, ai thấy khó khăn và bị khó khăn đè nát, sẽ thất bại.
Cũng như ĐTDĐ thôi, lúc mới ra, chúng tôi cũng bị đối thủ “dập” nhưng cuối cùng vẫn thành công. Còn nhớ vào thời điểm đó, cũng có một số siêu thị ĐTDĐ khác ra đời trước, nhưng chỉ có Thế Giới Di Động liên tục phát triển và 7 năm sau chúng tôi “phủ sóng” ở nhiều tỉnh, thành. Tôi nghĩ, xác suất thành công của Dienmay.com là rất lớn và những siêu thị Dienmay.com đầu tiên đã chứng minh điều đó.

Tầm nhìn xa
* Nhưng đến nay, nhiều người vẫn còn thắc mắc vì sao ông lại chọn kinh doanh ĐTDĐ vì thời điểm đó, số người sử dụng còn quá ít nhưng nhà cung cấp thì đã có thừa?
- Những năm 2000, ở các nước, cước điện thoại rất rẻ, nhiều người sử dụng 2 - 3 máy cùng một lúc. Tại Thái Lan, Hồng Kông..., cứ 100 người dân thì đến 90 người dùng ĐTDĐ, còn ở VN, người sử dụng ĐTDĐ chưa đến 10% dân số. Chỉ những người có vị trí cao hay các giám đốc doanh nghiệp mới có ĐTDĐ. Điều này thật vô lý.
Thị trường ĐTDĐ nước ngoài khổng lồ như vậy sao VN lại không phát triển? Đó là vì giá cước quá cao. Nhưng may mắn là sau đó, nhờ cạnh tranh mà giá cước giảm rất nhanh. Cũng từ đó, thị trường phát triển mạnh mẽ. Và hiện nay, ngay cả cánh xe ôm hay những người nông dân ở vùng quê xa xôi cũng xem ĐTDĐ là vật dụng, là phương tiện liên lạc không thể thiếu mỗi ngày. Đó chính là thiên thời mà tôi có được.
Tôi đã từng nghĩ rằng đích đến phải như vậy, nhưng không ngờ nó đến nhanh thế. Nhờ thiên thời mà việc kinh doanh của chúng tôi thuận lợi hơn. Đến nay, chúng tôi bán ra thị trường hơn 5.000 chiếc ĐTDĐ mỗi ngày. Điều mà cách đây 5 năm, chúng tôi không dám mơ đến.

* Đó có phải do ông có tầm nhìn xa đúng như nhiều người đã đánh giá?
- Nói vậy cho cao siêu chứ thực ra, thị trường thì nhiều người thấy, nhưng ai đủ dũng khí để vào cuộc và ai vào cuộc một cách bài bản sẽ thành công. Đâu phải mình tôi mở cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ, mà lúc đó còn có nhiều tên tuổi khác. Nhiều người đã thấy cơ hội và vào cuộc. Nhưng, như cuộc đua marathon, có thể trên đường đua có đến vài chục người cùng chạy, nhưng về đích được bao nhiêu người lại là chuyện khác.

* Và ông đã “chạy” nhanh hơn họ?
- Không hẳn là thế. Trong một cuộc thi marathon thì phải có người nhận huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng nhưng cũng có người chỉ nhận được bằng khen rồi về. Tôi cho rằng thị trường thì nhiều người thấy, thiên thời cũng có, nhưng để có Thế Giới Di Động như ngày hôm nay là cả một chặng đường phấn đấu, học hỏi không ngừng nghỉ của chúng tôi.
Quản trị tốt

* Một yếu tố nữa của Thế Giới Di Động được những người trong giới đánh giá cao là năng lực quản trị tốt...
- Tôi có thể khẳng định là không có “ông bán lẻ” ĐTDĐ và điện máy nào có khả năng kiểm soát chặt chẽ như Thế Giới Di Động. Tôi đang ngồi đây, nhưng trong tích tắc có thể biết được một siêu thị ở Cà Mau từ sáng đến chiều bán những gì, doanh thu bao nhiêu, lãi bao nhiêu, ai đi làm lúc mấy giờ, nhân viên nào đó bán được cái gì và họ được hưởng cái gì...
Làm sao để một siêu thị ở Cà Mau xa xôi như vậy mà những người ở đó không đưa hàng ở ngoài vào bán? Rất nhiều siêu thị ĐTDĐ ở các tỉnh vì không quản lý chặt chẽ nên bị tình trạng này. Tiền mặt bằng thì doanh nghiệp trả, tiền máy lạnh cứ trả, mọi chi phí phải trả, nhưng doanh thu đi vào chỗ khác chứ không vào công ty là vì vậy.

* Đây có phải là niềm tự hào của Thế Giới Di Động?
- Cũng bình thường thôi, nhưng đây là những điều mà chúng tôi đang làm và làm một cách vững chắc để xây dựng công ty chứ không làm hời hợt, không thấy người ta mở rầm rầm rồi mình cũng mở theo. Hơn nữa, chúng tôi có đội ngũ “binh hùng tướng giỏi”.
Trong đội ngũ hơn 5.000 người làm việc ở đây, chúng tôi tự hào có những “tướng” rất giỏi. Một “tướng” của tôi có thể bằng một ông tổng giám đốc của một công ty khác. Doanh số năm nay chúng tôi dự kiến sẽ đạt hơn 6.000 tỷ đồng và mỗi “ông tướng vùng” chịu trách nhiệm doanh số 1.000 tỷ đồng. Và đến giờ này tôi tin họ sẽ đạt được điều đó.

* Nhưng để có lực lượng “binh hùng tướng giỏi” như ông nói, Thế Giới Di Động có biện pháp gì để thu hút và giữ chân người tài?
- Theo tôi, đây chỉ là vấn đề nước chảy chỗ trũng thôi. Người đúng hệ sẽ tìm đến mình. Công ty chúng tôi đã bước qua giai đoạn giữ người rồi. Tôi đảm bảo rằng công ty này sẽ không bao giờ mất người và cũng không ai có thể lấy được những “tướng giỏi” của chúng tôi.
Những năm trước, khi Thế Giới Di Động chưa lớn mạnh thì khả năng thu hút người tài của chúng tôi không cao, nhưng đến thời điểm này tôi có thể tự tin về điều này.

* Chắc là Thế Giới Di Động phải có chính sách đãi ngộ hậu hĩnh?
- Không phải là vấn đề tiền bạc. Khác biệt ở đây là về sự chia sẻ. Một bên là bắt buộc phải cho để giữ người và một bên là mong muốn làm như thế. Nếu sợ mất nhân viên thì khi các doanh nghiệp khác trả 1.000 USD cho vị trí này, tôi phải trả 1.500 USD. Nhưng ở công ty này không vậy.
Tôi không quan tâm thị trường trả cho nhân viên đó là bao nhiêu, mà căn cứ vào sự đóng góp của họ đối với công ty và kết quả kinh doanh để chia sẻ với mọi người. Nếu kết quả kinh doanh tốt thì quản lý được chia sẻ nhiều, hay nôm na là “làm theo năng lực, hưởng theo năng lực”.
Làm sao để đạt 6.000 tỷ đồng/năm và quản lý 5.000 con người không phải là điều dễ dàng đối với các doanh nhân. Nhiều người vẫn lo nghĩ không biết nhân viên có lấy tiền của mình không, có ăn chặn bớt không, thuê nhà có lừa mình không...
Ở Thế Giới Di Động không có chuyện đó. Bởi, nếu có lương 2 triệu đồng thì họ có thể làm sao để có lương 5 triệu. Nhưng nếu đã có lương 30 triệu thì họ sẽ không quan tâm đến 1 - 2 triệu và khi đã có thu nhập tiền tỷ thì không ai lại quan tâm đến 10, 20 triệu đó nữa.
Đó là chuyện tiền bạc, còn đi xa hơn nữa là vấn đề niềm tin. Một khi bạn đã đặt trọn niềm tin vào một ai đó và không để cho họ thiệt thòi thì họ sẽ không bao giờ phủ nhận niềm tin bạn đặt trọn nơi họ.

Đường đến đích
* Như ông đã nói, kinh doanh trong lĩnh vực này giống như cuộc thi chạy marathon. Vậy trong cuộc đua ấy, Thế Giới Di Động đã đoạt huy chương gì?
- Những thành công ban đầu thì đã rõ ràng rồi, nhưng đạt đến độ xuất sắc chưa thì tôi nghĩ còn nhiều thứ phải làm lắm. Doanh số bán ra mỗi tháng trên 150.000 chiếc điện thoại cũng đã là quá nhiều so với thị trường, nhưng chúng tôi mong đợi gấp đôi con số đó.
Đến thời điểm này tôi tự tin khẳng định chúng tôi đang dẫn đầu cuộc đua ấy nhưng đích đến còn xa lắm. Hiện nay, chúng tôi đã có 150 cửa hàng và trong kế hoạch, chúng tôi sẽ mở không dưới 200 cửa hàng vào cuối năm nay.
Chúng tôi chủ trương rằng “ở đâu có sóng di động, ở đó có Thế Giới Di Động”. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch 10 siêu thị Dienmay.com trong năm nay. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa.

* Ngoài tầm nhìn xa và khả năng quản trị tốt, nhiều người vẫn cho rằng thành công của Thế Giới Di Động còn có sự “góp sức” của thương mại điện tử?
- Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã nhìn thấy tiềm năng của kênh bán hàng này và đầu tư một cách bài bản. Trước đây, người ta không tin vào mua bán online vì tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, lừa đảo đủ thứ, nhưng ở Thế Giới Di Động là online thật.
Đây là một “vũ khí” lợi hại giúp chúng tôi cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác. Hiện tại, doanh thu từ bán hàng online của chúng tôi đạt khoảng 50 tỷ đồng trong tổng doanh thu 500 tỷ đồng mỗi tháng. Nhưng chúng tôi đang kỳ vọng sẽ đạt vài trăm tỷ đồng mỗi tháng từ bán hàng online trong năm sau.

* Sở hữu thương hiệu mạnh với doanh thu lớn như thế, ông nghĩ mình đã giàu chưa?
- Khái niệm giàu là rất tương đối. Nếu hỏi là có hạnh phúc với những gì mình đã đạt được hay không thì tôi nghĩ là có. Mình phải cám ơn cuộc sống, cám ơn những cộng sự vì nếu không có họ, không có khách hàng thì mình sẽ không có ngày hôm nay.
Giàu, với tôi là có cuộc sống bình an và mỹ mãn với những gì đang có. Ai có thể hạnh phúc hơn khi mà tôi đang ngồi đây nhưng “tin chiến thắng” từ Nam Định, Vĩnh Phúc, Ninh Bình... cứ đổ về liên tục rằng: “Hôm nay em khai trương Ninh Bình, doanh số ngày đầu tiên 800 triệu đồng, khai trương Nam Định, doanh số ngày đầu tiên 1,2 tỷ đồng...”.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!


Bí mật thành công của ông chủ Thế Giới Di Động

Trong một báo cáo đặc biệt đầu năm nay, hai tác giả John Ruwitch và Jason Szep của hãng tin Reuters đã phân tích về sự trưởng thành của kinh tế tư nhân Việt Nam, 10 năm sau khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế này.

Báo cáo lấy một vài hình mẫu kinh tế tư nhân đã thành công ở Việt Nam, chẳng hạn trường hợp Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động, mạng lưới bán lẻ điện thoại di động hàng đầu ở Việt Nam hiện nay. Câu chuyện tới nay vẫn còn nguyên giá trị. VnEconomy giới thiệu cùng bạn đọc phần lược dịch này.

"Có điều gì đó bất thường ở đây"

Đó là một buổi sáng tháng Giêng oi bức, anh Nguyễn Đức Tài phải giải quyết một nhiệm vụ đầy khó khăn giữa trung tâm thương mại của Việt Nam, Tp.HCM.

Với khoản tiền thưởng cuối năm khá khẩm, anh muốn mua tặng vợ một chiếc di động mới, một món quà nhân dịp tết âm lịch sắp tới.

Ở một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1.100 USD, một chiếc điện thoại ngon lành là một khoản đầu tư không hề nhỏ. Anh Tài muốn đưa ra quyết định chính xác nhất cho khoản đầu tư 5 triệu đồng của mình (250 USD).

"Lúc đó, quả thực tôi rất bối rối. Tôi đã tới hai cửa hàng điện thoại, nhưng không đâu có thể chỉ cho tôi, loại điện thoại nào tôi có thể mua được với số tiền này. Họ đưa cho tôi xem một, hai chiếc điện thoại. Nhưng chừng đó không đủ. Nếu họ có thể giới thiệu cho tôi 10 mẫu di động cũng trong tầm giá đó, thì tôi đã có thể quyết định".

Người đàn ông 35 tuổi này ngay lập tức nhìn ra cơ hội. "Tôi tự nhủ, có điều gì đó bất thường ở đây. Tôi có tiền. Tôi sẵn sàng chi trả. Nhưng tôi không thể tìm được thứ tôi muốn. Có điều gì đó không đúng ở đây, và nếu tôi có thể khắc phục được điều đó, khách hàng sẽ ủng hộ tôi".

Thấm thoắt đã 6 năm trôi qua, anh Nguyễn Đức Tài giờ đã là Tổng giám đốc kiêm đồng sáng lập của Thế Giới Di Động, nhà bán lẻ điện thoại di động hàng đầu ở Việt Nam, một phần của khối doanh nghiệp mới, năng động, tăng trưởng nhanh, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang ngày càng phát triển ở đất nước có gần 90 triệu dân này.

Việt Nam đã vươn lên trong hơn một thập niên qua, từ đống đổ nát sau chiến tranh trở thành một nền kinh tế có vai trò trung tâm trong nền công nghiệp ở châu Á, sản xuất mọi thứ từ những đôi giày, đôi dép cho tới các linh kiện máy tính.

Một nền kinh tế đã từng có thời dựa vào những cánh đồng lúa bị bom rải thảm, giờ đã có thể tự hào với những trung tâm thương mại đồ sộ, hoành tráng cùng những cao ốc chọc trời. Trên những đường phố nườm nượp người qua lại, những chiếc BMW và Rolls Royce cố chen chân cùng với xe máy và xe đạp.

Và khi, quốc gia láng giềng Trung Quốc bắt đầu chuyển mình từ một nền kinh tế lạc hậu sang xã hội tiêu dùng, Việt Nam hy vọng sẽ tiếp bước theo sau. Các công ty như Thế Giới Di Động có thể sẽ trở thành lực lượng tiên phong, dẫn dắt xu hướng này. Các bài học thành công ở Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho những lãnh đạo doanh nghiệp năng động, từ đó nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân.

Như trường hợp Thế Giới Di Động, từ 7 cửa hàng, mạng lưới này hiện đã mở rộng lên 70 cửa hàng với hơn 4.000 nhân viên sau 3 năm. Doanh thu năm 2010 tăng gấp đôi lên 150 triệu USD và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong năm nay. Lãi ròng 5 triệu USD năm ngoái được kỳ vọng sẽ tăng gấp ba lên 14 triệu USD trong năm nay.

"Vũ khí" thông tin và lời giải Internet

Không có gì phải ngạc nhiên khi Tổng giám đốc Nguyễn Đức Tài không hề tỏ ra lo ngại khi cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Anh đã sử dụng công nghệ và khai thác hiệu quả Internet để bảo đảm an toàn cho vị trí của mình. Từ câu chuyện đi mua điện thoại cho vợ, anh đã biết phải làm gì để giải quyết vấn đề mà khách hàng mong mỏi.

Khách hàng luôn cần nhận được những thông tin hữu ích, anh cho biết. Vì thế, trước khi mở cửa hàng đầu tiên trong hệ thống Thế Giới Di Động, anh đã xây dựng một trang web, cung cấp chi tiết giá tiền và thông số kỹ thuật của những mẫu di động mà anh sẽ bán. Đây là mô hình kinh doanh đầu tiên loại này ở Việt Nam và nó đã trở thành một cú hích đối với khách hàng.

Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới một vấn đề khác, làm thế nào để giữ giá trên trang web tương tự với giá tại mạng lưới các cửa hàng đang phát triển của anh, đặc biệt là trên một thị trường dễ bị biến động do dao động nhu cầu và tiền tệ.

Và giải pháp của anh Tài là, thẻ kỹ thuật số ghi giá được tập trung cập nhật hai lần một ngày và liên kết với trang web. Điều đó đã mở đường cho một hệ thống thương mại điện tử dạng sơ khởi. Theo đó, khách mua hàng nhập số điện thoại của mình vào. Trong vòng 30 phút sau đó, nhân viên Thế Giới Di Động sẽ gọi điện, viết đơn hàng và nhân viên giao nhận dùng xe máy đưa sản phẩm tới khách hàng, rồi thu tiền về.

Trang web này thu về khoảng 1 triệu USD/tháng, đủ để đưa Thế Giới Di Động trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất ở Việt Nam, ngành công nghiệp non trẻ ở một đất nước mà hầu hết người dân chưa có thẻ tín dụng và vẫn quen dùng tiền mặt cho hầu hết các giao dịch mua bán.

"Đây là một vũ khí lợi hại giúp chúng tôi cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác", anh Tài nói và ngả người trên ghế.

* Khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp (năm 2000), các doanh nghiệp tư nhân đã có điều kiện thuận lợi để phát triển. Bộ luật này đã thể chế hóa quyền tự do kinh doanh của các cá nhân trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, dỡ bỏ những rào cản về hành chính đang làm trở ngại đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp như cấp giấy phép, thủ tục, các loại phí…

Tính trong giai đoạn 2000-2004, đã có 73.000 doanh nghiệp tư nhân đăng ký mới, tăng 3,75 lần so với giai đoạn 1991-1999. Cho đến năm 2004, đã có 150.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động theo Luật doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ là 182.000 tỷ đồng.

Từ năm 1991 đến năm 2003, tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP đã tăng từ 3,1% lên 4,1%, kinh tế ngoài quốc doanh khác từ 4,4% lên 4,5%, kinh tế cá thể giảm từ 35,9% xuống 31,2%, và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 6,4% lên 14%.


Công ty Thế Giới Di Động làm gì để có 6.000 tỉ doanh thu?

Gần 10 năm để Thế Giới Di Động đạt được mức doanh thu 3.000 tỉ đồng, vậy sẽ mất bao lâu để “người em” Thế Giới Điện Tử làm được điều này khi thị trường đã có quá đông người chơi?


Bất chấp kinh tế khó khăn, Thế Giới Di Động vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu 200% giai đoạn 2007-2010. Đặc biệt là trong gần một thập kỷ qua, mô hình này đã tăng nhanh cùng lúc ở cả 3 chỉ tiêu: số cửa hàng, doanh thu và lợi nhuận. Họ đã làm được điều này như thế nào?

Thế Giới Di Động là hệ thống bán lẻ có mặt khá sớm trên thị trường thiết bị di động trong năm 2004 và đã đạt mức tăng trưởng doanh thu 200% trong suốt giai đoạn kinh tế khó khăn, từ dưới 1.000 tỉ đồng năm 2007 lên 3.000 tỉ đồng (150 triệu USD) năm 2010 và dự kiến sẽ đạt 6.000 tỉ đồng năm 2011. Thực chất, tỉ suất lợi nhuận của lĩnh vực bán lẻ sản phẩm di động không cao, chỉ khoảng 10-12% hoặc thấp hơn. Như ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động, cho biết: “Giả sử chúng tôi lấy điện thoại từ nhà sản xuất, hoặc nhà phân phối sỉ với giá 1 triệu đồng/chiếc thì bán ra cho người tiêu dùng chỉ 1,1 triệu đồng”. Đó là lý do giải thích vì sao để đạt được mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận, các ông chủ ngành này buộc phải liên tục mở rộng hệ thống cửa hàng của họ.
Nhưng không chỉ mở rộng hệ thống là đủ, mô hình Thế Giới Di Động lại đạt được thành công bởi 3 yếu tố.

Gặp thời

Thế Giới Di Động được biết đến nhờ sự bùng nổ tiêu dùng các sản phẩm di động và thương mại điện tử trong suốt gần 10 năm qua. Có thể chia quá trình phát triển của Thế Giới Di Động thành 3 chặng đường và mỗi chặng đã đóng góp rất lớn vào doanh thu của công ty này.

2004 có thể được xem là năm định hình mô hình Thế Giới Di Động. Việc tìm kiếm thông tin các thiết bị di động (về chủng loại, chức năng, giá cả...) vô cùng khó khăn khiến các ông chủ Thế Giới Di Động nghĩ đến việc thành lập một website để giới thiệu sản phẩm. Đây là mô hình thương mại điện tử sơ khai, người mua chỉ có thể lên website để xem sản phẩm và nếu muốn mua thì đến các điểm giao hàng của Công ty (khi đó, Thế Giới Di Động có 3 điểm giao hàng với diện tích chỉ vài mét vuông).

Thế nhưng, mô hình này đã thất bại. Nguyên nhân là người mua quá thất vọng khi website chuyên nghiệp, nhưng các điểm bán của Thế Giới Di Động thì quá nhỏ, không khác những cửa hàng bán điện thoại không chính hãng ở khu vực đường Hùng Vương (TP.HCM) rất sôi động lúc đó. Thị trường điện thoại di động Việt Nam năm 2004 chỉ có dưới 30% là dòng sản phẩm chính ngạch với mức thuế nhập khẩu cao khoảng 20% và chủ yếu được các nhà sản xuất hoặc phân phối có tiếng phân phối như các cửa hàng của Nokia (Phần Lan), trong khi hàng xách tay tràn lan ngoài thị trường. Đó là một phần lý do khiến người mua e ngại về những gì Thế giới Di Động đang làm.

Vì thế 4 người chủ của công ty này khi đó đã quyết định thay đổi mô hình. 3 điểm giao hàng được xóa bỏ và thay vào đó là một cửa hàng lớn trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM). Chỉ sau chưa đầy 3 tháng (10-12.2004) chuyển đổi từ “điểm giao hàng” thành “cửa hàng”, Công ty đã có lãi. “Với mô hình thương mại điện tử, bạn không chỉ có một website chuyên nghiệp mà còn phải có một cơ ngơi vững vàng trên thực tế”, ông Tài cho biết.

Việc ổn định mô hình kinh doanh đã giúp Thế Giới Di Động phát triển thêm 4 cửa hàng trong gần 2 năm sau đó. Tuy nhiên, theo ông Tài, tốc độ này là khá chậm. Bên cạnh đó là thách thức cạnh tranh từ các hệ thống phân phối như Viễn Thông A, Phước Lập Mobile, nhu cầu điện thoại di động tăng nhanh và sức ép không thể cứ mãi dùng lợi nhuận từ các cửa hàng hiện có để mở rộng nhanh các cửa hàng mới (một đòi hỏi của mô hình phân phối). Trước những thách thức này, các ông chủ Thế Giới Di Động đã quyết định đưa Công ty bước sang chặng đường thứ 2: thu hút vốn để bành trướng hệ thống và nâng cao năng lực quản trị.

Sự rót vốn và hỗ trợ về mặt quản trị doanh nghiệp của Mekong Capital năm 2007 đã giúp Công ty nhanh chóng gia tăng số lượng cửa hàng trong các năm sau đó (lên đến 15, 30, 40 cửa hàng qua các năm 2007, 2008, 2009) với tốc độ tăng trưởng tương ứng về doanh thu và lợi nhuận. Thời gian này, Công ty xác định chỉ phát triển 3 thị trường trọng điểm là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, vì theo ông Tài, “chiến lược này mang tính tập trung, dễ quản lý và có thể mở được nhiều cửa hàng tại một khu vực”.

Tuy nhiên, câu chuyện phân phối trở nên phức tạp hơn khi đất không thể tự mở rộng. Bước sang năm 2010, Thế Giới Di Động nhận thấy các thị trường Hà Nội, TP.HCM không thể mãi là “con gà đẻ trứng vàng” trong lúc những khu vực khác, đặc biệt là nông thôn, trở nên hấp dẫn với nhu cầu mua sắm các sản phẩm chính ngạch, chất lượng cao gia tăng.

Đơn cử, sản lượng tiêu thụ điện thoại di động tại TP.HCM là 300.000 máy trong năm vừa qua, trong đó 30 cửa hàng của Thế Giới Di Động đã chiếm khoảng 30% thị phần. Thế Giới Di Động chia thành 2 nhóm cửa hàng: cửa hàng cấp 1 doanh thu 5 tỉ đồng/tháng và cửa hàng cấp 2 doanh thu 3 tỉ đồng/tháng. “Như vậy là đã gần như đủ”, ông Tài khẳng định.

Vì thế, chặng đường thứ 3 của Thế Giới Di Động, với số lượng dự kiến hơn 200 cửa hàng và lợi nhuận hơn 200 tỉ đồng, được xác định sẽ đến từ các khu vực khác trên toàn quốc. “Hệ thống ERP cho phép chúng tôi mở rộng mà chẳng cần phải đắn đo gì về chuyện quản lý”, ông nói.
Quản lý theo chuẩn ERP

Ông Chris Freund, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital, cho biết, lý do để Mekong Capital đầu tư vào Thế Giới Di Động là công ty này có năng lực quản lý khá tốt. Quả thực, quản lý là điều không hề đơn giản đối với một hệ thống lớn như Thế Giới Di Động. Ông Tài, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động, cũng thừa nhận: “Với loại hình này mở rộng cửa hàng không khó, nhưng quản lý là cả một thách thức”.

Kinh doanh bán lẻ tuy hấp dẫn nhưng không nhiều người thành công do dễ mắc vào 2 cái bẫy. Thứ nhất, chủ doanh nghiệp thấy mặt bằng nào đẹp là mua ngay để mở rộng mạng lưới cửa hàng và giao cho người thân quản lý theo kiểu gia đình trị, thiếu tính hệ thống. Điều này khiến việc quản lý các mặt bằng ở xa nơi đặt trụ sở trở nên rất khó khăn. Thứ hai, nếu thuê người ngoài quản lý, sẽ dễ dẫn đến việc nhân viên thông đồng với quản lý để mang hàng vào cửa hàng bán chui (hàng xách tay giá rẻ nhưng bán theo giá cửa hàng ăn chênh lệch), làm giảm doanh số của cửa hàng.

“Trong ngành này, mỗi ngày một cửa hàng phải bán được vài trăm triệu đồng thì mới sống được”, ông Tài nói.

Các ông chủ của Thế Giới Di Động đã nhận ra những nhược điểm này từ khá sớm. Những năm đầu đầu tư, ông Tài cùng 4 cổ đông khác đã thực hiện một số chính sách quản lý khá quyết liệt. Đầu tiên là việc triển khai toàn diện giải pháp quản lý nguồn lực ERP (Enterprise Resource Planning) trong lúc thuật ngữ này còn xa lạ tại Việt Nam, cho phép Thế Giới Di Động quản lý việc kinh doanh của các cửa hàng ở bất kỳ nơi đâu mà không cần đến sự giám sát trực tiếp của ban lãnh đạo. Ông Tài nói: “Có những cửa hàng trong hệ thống tôi chưa từng đặt chân đến nhưng vẫn có thể biết được các nhân viên đã bán được bao nhiêu hàng hóa trong từng giờ cụ thể thông qua ERP”. Bên cạnh đó Công ty này còn thu hút người giỏi bằng cách trả lương cao gấp 3-4 lần đối thủ. Theo khảo sát, một nhân viên kinh doanh tại đây có mức thu nhập từ 5-80 triệu đồng, trong khi nhân viên thuộc một hệ thống bán lẻ khác là đối thủ của Thế Giới Di Động chỉ đạt được mức 3-30 triệu đồng. “Một hệ thống ERP tốt giúp bạn mở rộng cửa hàng mà vẫn có thể quản lý chặt chẽ. Chính sách đãi ngộ nhân viên cũng giúp bạn tránh được tình trạng bán chui và sự lôi kéo của đối thủ”, ông Tài chia sẻ.

Trong khi đó, với đối thủ, các ông chủ của Thế Giới Di Động đã có những chiêu thức cạnh tranh khá “quyết liệt”. Một cửa hàng bán lẻ thiết bị di động thuộc thương hiệu khác đặt gần cửa hàng của Thế Giới Di Động ở TP.HCM, cách chỉ vài căn nhà. Cửa hàng kia cạnh tranh bằng cách nhái theo phong cách kinh doanh và phục vụ của Thế Giới Di Động, từ đồng phục nhân viên đến tổ chức dịch vụ. Đặc biệt là giá bán sản phẩm có phần rẻ hơn. Trước sự tấn công này, cửa hàng Thế Giới Di Động đã giảm giá bán xuống, sẵn sàng chấp nhận hòa vốn. Kết quả là cửa hàng kia phải đóng cửa.

Kết cục trên cũng có thể dự đoán được. Với hệ thống 93 cửa hàng, Thế Giới Di Động sẵn sàng hy sinh lợi nhuận ở một vài cửa hàng để củng cố vị thế của mình. Có lẽ nào các ông chủ không mấy quan tâm đến chính sách giá đồng bộ của hệ thống?

Vị thế của Thế Giới Di Động cho thấy cơ may chiến thắng của cửa hàng kia rất thấp. Đó là chưa nói đến quyết tâm “giữ đất” của Thế Giới Di Động, một phần do đặc thù của ngành này.

Đa dạng hóa kinh doanh

Ngoài việc xây dựng hệ thống quản trị và vạch ra chiến lược rõ ràng qua từng giai đoạn, sự thành công của mô hình Thế Giới Di Động còn được nhìn rõ qua việc mở rộng kinh doanh thường xuyên của công ty này.

Nhờ sự trỗi dậy của thị trường điện thoại di động Việt Nam (từ 4 triệu chiếc điện thoại di động năm 2004 tăng lên gần 20 triệu chiếc năm 2010, theo hãng nghiên cứu thị trường Mỹ IDC). Đến nay, Thế Giới Di Dộng, cùng với các nhà phân phối điện thoại di động chính hãng có quy mô lớn khác là Viễn Thông A, Phước Lập Mobile, Viettel, FPT chiếm giữ 40% thị trường. Các nhà phân phối dòng cao cấp như Mai Nguyen Mobiado, Nhat Cuong Mobile nắm giữ 10%. Phần còn lại thuộc về thị trường hàng xách tay.
Ngoài ra, website thương mại điện tử của công ty này, ban đầu chỉ là kênh thông tin, bổ trợ cho việc bán hàng tại các cửa hàng, đến nay đã có thể tạo ra doanh thu khoảng 30 tỉ đồng/tháng (từ trung tâm đặt hàng trực tuyến với hơn 50 tổng đài viên). Đây là một con số không nhỏ đối với ngành thương mại điện tử vẫn còn chập chững.

Theo thống kê của Thế Giới Di Động, Việt Nam tiêu thụ hơn 10 triệu chiếc điện thoại di động mỗi năm và năm 2010, công ty này đã phân phối 1 triệu chiếc. “Chúng tôi sẽ đạt 2 triệu chiếc trong năm nay”, ông Tài dự đoán.

Tuy nhiên, Thế Giới Di Động có thể sẽ gặp không ít thách thức. Theo thống kê của một công ty có tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường điện thoại di động (đề nghị không nêu tên), nếu năm 2010, dòng điện thoại phổ thông có giá trên 3 triệu đồng tại Việt Nam đạt mức tăng tưởng về số lượng là 240% so với năm 2009 thì năm 2011 sẽ chỉ còn khoảng 25%. Và dòng điện thoại giá trung bình thấp (dưới 3 triệu đồng) có mức tăng dự báo không cao hơn năm 2010 (chỉ khoảng 4-5%). Chiến lược nào cho Thế Giới Di Động để giữ vững vị trí của họ trước tương lai bão hòa của điện thoại di động?

Nhìn vào chặng đường phát triển của Thế Giới Di Động có thể thấy việc doanh thu gia tăng không chỉ đến từ mảng điện thoại di động. Khởi đầu từ việc phân phối điện thoại di động và các phụ kiện, đến năm 2007, công ty này đã lấn sang kinh doanh máy tính laptop. Năm 2008, Công ty đã bán được khoảng 2.000 chiếc laptop và hiện nay chiếm khoảng 20% thị trường. Đó là nhờ Công ty đã tung ra các chương trình bán hàng trả góp với lãi suất 0% mà không tăng giá bán so với hình thức trả thông thường.

Năm 2009, Thế Giới Di Động tiếp tục mở rộng sang ngành hàng thiết bị camera, máy nghe nhạc MP3, MP4. Và đến năm 2010, công ty này đã cho ra đời một thương hiệu con chuyên phân phối các sản phẩm hàng điện tử gia dụng với website thegioidientu.com. Thương hiệu mới này sẽ đi đến đâu là câu hỏi đã được không ít người đặt ra. Gần 10 năm để chuỗi phân phối và website của Thế Giới Di Động đạt được doanh thu 3.000 tỉ đồng, vậy sẽ mất bao lâu để Thế Giới Điện Tử làm được điều này khi thị trường đã có những cái tên lớn như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn?

Nhìn chung, mô hình kinh doanh Thế Giới Điện Tử đang theo bước chân người anh của nó. Đó là kết hợp phát triển website với hệ thống cửa hàng - một website được xây dựng khá bài bản với việc ưu đãi giá bán sản phẩm giảm hơn 5% nếu đặt mua trực tuyến, bên cạnh cửa hàng đầu tiên tại quận Bình Thạnh (TP.HCM).

“Thực chất, việc kết hợp kinh doanh sản phẩm di động với hàng điện tử gia dụng đã được nhiều công ty làm rồi, nhưng chúng tôi tin mình vẫn có cơ hội bởi thị trường Việt Nam còn sơ khai”, ông Tài cho biết.


------------------------------------
Tổng hợp từ Tuoitre.vn, Doanh Nhân Sài Gòn, Vneconomy.vn, Nhipcaudautu.vn
Tags: ,

Giới thiệu về NguoiThanhCong.net

Là mạng lưới của những người khát khao thành công, chia sẻ câu chuyện của những tấm gương thành công đáng để học hỏi.

1 nhận xét

Leave a Reply