Nguyễn Thành Dương - Giám đốc Công ty cơm kẹp VietMac

[Image]
CEO Nguyễn Thành Dương
■Năm 2007: Tốt nghiệp ĐH Thương mại chuyên ngành marketing
■Năm 2010 - Công ty Cơm kẹp VietMac ra đời. VietMac là kết quả của sự giao thoa giữa “cơm nắm muối vừng” Việt Nam và đồ ăn nhanh - fastfood của phương Tây.
■Sau 10 tháng thành lập: VietMac đã được một số quỹ đầu tư định giá 2,25 triệu USD - con số cao gấp 10 lần giá trị đầu tư ban đầu.
■"Làm bất kỳ công việc nào cũng cần có những người đồng hành, với ít nhất là “ba cái đầu”. Nếu làm một mình, tôi nghĩ chắc có lúc mình “đập đầu vào tường mà chết”, vì có những thời điểm thực sự rất khủng khiếp và nếu không có người cùng chia sẻ khó khăn, chúng ta khó mà vượt qua."

Khởi nghiệp với cơm kẹp

TT - Một loại hình ăn trưa mới ra đời đã thu hút sự quan tâm xen lẫn tò mò của dân văn phòng: cơm kẹp. Người nghĩ ra ý tưởng này là anh Nguyễn Thành Dương (28 tuổi) - giám đốc Công ty VietMac, chủ thương hiệu cơm kẹp cùng tên.

“Trong một dịp tình cờ, anh bạn tôi tỏ ra rất thích thú khi nói với tôi về món ăn đã được thưởng thức trên một chuyến bay của Hãng hàng không Singapore Airlines: cơm được ép thành bánh kẹp nhân thịt. Tôi nhận thấy ngay cơ hội cho một loại hình ăn nhanh thú vị dành cho dân văn phòng”, anh Dương kể.

Từ ý tưởng đến thực tế

[Image]

Việc đầu tiên anh Dương làm là tìm đến nơi loại bánh cơm kẹp này ra đời. Anh nhiều lần bay sang Singapore và cả Malaysia để tìm hiểu kỹ về loại bánh này.
Cái khó nhất khi làm bánh cơm kẹp không phải ở phần nhân, công thức chế biến các loại thịt bò, gà hay cá, mà nằm ở phần vỏ tưởng chừng rất đơn giản. Cơm sau khi nấu được anh thí nghiệm dùng thử chiếc gạt tàn thuốc để ép thành bánh, sau đó đặt khuôn để ép bánh. Làm đi làm lại với hàng chục loại gạo khác nhau, nhưng kết quả vẫn không như ý muốn với yêu cầu các hạt cơm phải dẻo, có độ kết dính và dai để đảm bảo khi cầm ăn bánh cơm không bị gãy. Chỉ đến khi thử nghiệm đến loại gạo thứ 30 cho ra kết quả tốt nhất anh mới thật sự thở phào nhẹ nhõm.

Tốt nghiệp ĐH Thương mại chuyên ngành marketing năm 2007, anh Dương nói mình không có kinh nghiệm bếp núc hay ẩm thực và phải học hỏi từ đầu để bước vào ngành kinh doanh thức ăn nhanh. Với món cơm kẹp, anh đã nhờ đến những người trong ngành ăn uống giúp đỡ để hoàn thiện món ăn này, nhưng cũng không kiếm được nhiều lời khuyên vì “đối với họ nó quá mới lạ”. “Tôi phải làm gần như mọi việc để hình thành và cho ra đời sản phẩm này. Tôi thật sự hạnh phúc và vui sướng khi những chiếc bánh đầu tiên ra lò, mọi người dùng thử ai cũng tấm tắc khen ngon”, anh Dương cho biết.

[Image]

Mỗi bánh cơm có 4 hạt bắp

Cơm kẹp được định hình gồm hai phần chính: cơm được ép chặt thành bánh, dẻo, dai để đảm bảo không bị vỡ vụn hay gãy khi ăn; nhân bên trong được làm từ cá, thịt gà, bò hay đà điểu, có giá từ 27.000 đồng.

Khách đến quán có thể chọn những phần ăn kèm theo như salad và nước uống. Đặc biệt, nói về chuyện đưa bốn hạt bắp vào mỗi bánh cơm anh nói đó là ý tưởng của một đứa cháu 12 tuổi vì vị ngon ngọt sẽ làm cho bữa ăn thêm thú vị. Nhưng tại sao lại là bốn, anh Dương cho biết: “Chúng tôi quan sát 100 khách đến và họ cần cắn 12-16 miếng để ăn hết phần ăn. Nếu miếng cắn nào cũng ngọt thì quá đơn điệu, nên tám hạt trong hai bánh đảm bảo xác xuất 50% miếng cơm của khách có vị ngọt”.

Đã có sáu cửa hàng VietMac ra đời tại Hà Nội sau hơn một năm thương hiệu này ra đời. Anh Nguyễn Thành Dương cho biết giờ đây VietMac đang phát triển theo hướng nhượng quyền thương hiệu với thị trường tiếp theo là TP.HCM.

[Image]


Khát vọng fastfood 'mạo hiểm' của người Việt trẻ

Thương hiệu được định giá 2,25 triệu USD sau 10 tháng thành lập, xây dựng thành công một chuỗi cửa hàng cơm kẹp VietMac tại các thị trường trọng điểm chỉ sau 1 năm. Tuy nhiên, không ai biết đằng sau câu chuyện phát triển khá nóng của một doanh nghiệp Việt, là những suy tư ‘hot’ của những người Việt trẻ.

VietMac tại Sài Gòn

Chính phục khẩu vị fastfood Việt
Cái tên "Cơm kẹp" được biết đến từ 10 tháng trước, khi cửa hàng đầu tiên mang tên VietMac khai trương tại Hà Nội. Nhưng VietMac thực sự trở thành tâm điểm chú ý cách đây gần 2 tháng khi lần đầu tiên thương hiệu non trẻ này được định giá 2,5 triệu đôla Mỹ - con số cao gấp 10 lần giá trị đầu tư ban đầu. Ngay trong đầu năm mới Nhâm Thìn, VietMac đã tiến công vào thị trường Sài Gòn với việc khai trương cửa hàng tại 207 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận.

[Image]

Anh Nguyễn Thành Dương - GĐĐH VietMac 25 tuổi cho biết, trong một suất cơm kẹp VietMac có ít nhất 3 loại rau tươi để đảm bảo khẩu vị lành mạnh cho khách hàng. "Người Việt có khẩu vị khá tinh tế, ăn để cảm nhận được vị và mùi thơm. Khẩu vị Việt nhấn mạnh đến yếu tố lành mạnh cho sức khỏe và để cân bằng âm dương, nóng lạnh trong đồ ăn. Điều này rất khác biệt so với ẩm thực các nước khác, ví dụ ẩm thực Trung quốc nhấn mạnh vào yếu tố bổ vì thế đồ ăn nhiều dầu mỡ" - anh Dương nói.
Anh Nguyễn Phương Hải, chuyên gia ẩm thực VietMac cho biết, đáp ứng sở thích về ẩm thực tinh tế, truyền thống nhưng cũng rất hiện đại của những người trẻ, VietMac đã cho ra đời bộ sản phẩm mới với những món đặc biệt gây ấn tượng như: heo sốt quế, đà điểu sốt cam, bò sốt tiêu xanh..."Món heo sốt quế đã từng được phục vụ nguyên tổng thống Pháp Jacques Chirac tại khách sạn Sofitel Metropole. Ông Jacques Chirac đã rất ấn tượng với món này vì vị Việt Nam truyền thống đặc biệt" - anh Hải nói.

[Image]
Cơm kẹp nhiều rau khỏi lo ngán ngấy

“Để có thể trở thành triệu phú trước tuổi 30 như mọi người hay nói, tôi đã từng đi làm phục vụ bàn. Khi làm việc tôi học được cách quan sát mọi người, tôi nhận thấy cuộc sống bận rộn khiến việc ăn nhanh trở thành một xu hướng, nhiều người có thể không thích fastfood nhưng họ vẫn lựa chọn. Tuy nhiên, là người Việt, tôi hiểu được được tư duy “ăn nhanh để sống chậm” của dân tộc mình. Đó là lý do, chúng tôi hướng tới một fastfood Việt không làm cho khách hàng tăng cân, béo phì mà lại tốt cho sức khỏe. Một con đường đi riêng, sẽ tạo một thị trường riêng rất “xanh” cho VietMac - vị Giám đốc 8X nhấn mạnh.
Khát vọng của những người trẻ
Như đã nói, Thành Dương - từ một chàng sinh viên Thương Mại làm đủ nghề như phục vụ bàn, quản lý nhà hàng rồi Giám đốc Marketing cho một số thương hiệu lớn. Nhưng dường như mọi thứ vẫn là chưa đủ, khát vọng của một người Việt làm chủ thương hiệu Việt vẫn là mơ ước trong anh.
Cho đến tháng 6/2010, tình cờ một người bạn - nay là Chủ tịch HĐQT công ty có chuyến công tác nước ngoài và được hãng vận chuyển China Airlines phục vụ suất ăn đơn giản mà ấn tượng: Cơm nắm kẹp thịt. "Món ăn gợi cho bạn tôi hình ảnh rất đỗi quen thuộc của quê hương - nắm cơm muối vừng. Ý thức xưa bỗng dội về và bạn tôi nghĩ ngay ra ý tưởng kinh doanh. Chúng tôi bàn bạc với nhau và quyết định đưa ra sản phẩm cơm kẹp để bán ra thị trường" - anh Dương kể.

Giám Đốc 8X Nguyễn Thành Dương

Từ những ý tưởng được phác thảo trong đầu, anh và 2 thành viên sáng lập VietMac đã phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ như lựa chọn gạo, xử lý bánh cơm, rồi tìm ra yếu tố cốt lõi của sản phẩm và xây dựng, quản lý các quy trình trong chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh. Và ngày 26/10/2010 - Công ty Cơm kẹp có tên VietMac ra đời. VietMac là kết quả của sự giao thoa giữa “cơm nắm muối vừng” Việt Nam và đồ ăn nhanh - fastfood của phương Tây.
Anh Phan Phúc Thịnh, Giám đốc chi nhánh VietMac tại TP.HCM cho biết, cơm kẹp là sản phẩm đầu tiên tại thị trường Việt Nam với khẩu vị thuần Việt. Hiện tại VietMac đã có 6 cửa hàng tại Hà Nội. Cửa hàng cơm kẹp VietMac phát triển theo hướng nhượng quyền thương hiệu. "Mô hình nhượng quyền cơm kẹp là một mô hình có tính linh hoạt cao, chi phí không lớn. Sau một thời gian tập trung cải tiến sản phẩm mạnh mẽ, chúng tôi tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển cửa hàng để mang tới sự tiện dụng hơn nữa cho khách hàng, Dự kiến, VietMac dự kiến sẽ mở tiếp 5 cửa hàng trong 6 tháng đầu năm 2012" - anh Thịnh nói.

Còn chị Tôn Nữ Xuân Quyên, đối tác nhượng quyền cơm kẹp VietMac tại TP.HCM cho biết, là một người được đào tạo tại nước ngoài và từng làm việc trong các tập đoàn lớn toàn cầu, chị Xuân Quyên biết tới cơm kẹp VietMac qua ăn thử sản phẩm tại Hà Nội. "Tôi đã tới Hà Nội gặp gỡ những người sáng lập VietMac và nhận thấy đó là những người có khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt mạnh trong ngành fastfood. Tôi đã nghỉ việc tại tập đoàn và bắt đầu với cơm kẹp VietMac tại TP.HCM" - chị Xuân Quyên chia sẻ.

Giống như chị Xuân Quyên, cũng được đào tạo tại nước ngoài và về nước làm việc, chị Trần Minh Hạnh trở thành một đối tác nhượng quyền của VietMac dù rất trẻ. "Tôi quyết định bắt đầu với cơm kẹp VietMac tại TP.HCM khi nhận thấy đây là một sản phẩm vô cùng cá tính. Tuổi trẻ luôn thích một chút liều lĩnh khi thử nghiệm những cái mới. Việc trở thành đối tác nhượng quyền của VietMac là thử thách đối với chúng tôi và đây cũng là cách chúng tôi thực hiện ước mơ của mình, đó là xây dựng một sản phẩm thuần Việt, mang tính cách của người Việt Nam" - chị Hạnh chia sẻ.

Còn quá sớm để nói về thành công của một thương hiệu fastfood Việt như VietMac ở thời điểm này. Nhưng nhìn vào việc hàng ngày họ xin ý kiến ít nhất 10 khách hàng nhận xét về sản phẩm, về cách họ nói không với đồ nhựa cho một môi trường xanh, cách họ chọn sản phẩm có nguồn gốc “xịn” tươi và lành nhất cho khách hàng hay chỉ trong ngày khai trương đầu tiên tại Sài Gòn đã có hàng 1000 suất cơm được bán ra.... Chúng ta có thể đặt một niềm tin cho những người Việt trẻ dám mạo hiểm...

[Image]

Hoài bão cơm kẹp quốc tế của ông chủ 8X

Thương hiệu VietMac được định giá 2,25 triệu USD sau 10 tháng thành lập đang là động lực để doanh nghiệp này quyết thực hiện ước mơ mang thương hiệu "cơm kẹp" ra thị trường thế giới.
> Cậu bé nghèo thành đại gia bất động sản

Sáng 1/2, cửa hàng cơm kẹp đầu tiên của hãng đồ ăn nhanh mang thương hiệu Việt - VietMac khai trương ở TP HCM. Kế hoạch Nam tiến này được hãng triển khai sau gần một năm phát triển 5 cửa hàng tại thị trường Hà Nội. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang co cụm, thu hẹp quy mô, cắt giảm đầu tư, việc mở rộng hoạt động tại thị trường phía Nam được lãnh đạo VietMac nhìn nhận là bước đi mạo hiểm nhưng nếu thành công thì hiệu quả thu về sẽ lớn.

Giám đốc điều hành VietMac - Nguyễn Thành Dương chia sẻ: "Sau Nam tiến sẽ là kế hoạch địa phương hóa - đưa cơm kẹp đến nhiều vùng miền của tổ quốc rồi tiến tới mục tiêu đưa thương hiệu ra nước ngoài".

Cái tên "Cơm kẹp" được biết đến từ 10 tháng trước, khi cửa hàng đầu tiên mang tên VietMac khai trương tại Hà Nội. Nhưng VietMac thực sự trở thành tâm điểm chú ý cách đây gần 2 tháng khi lần đầu tiên thương hiệu non trẻ này được định giá 2,5 triệu đôla Mỹ - con số cao gấp 10 lần giá trị đầu tư ban đầu.

Nguyễn Thành Dương cho rằng sự thành công của 5 cửa hàng tại Hà Nội với số lượng suất ăn bán ra trong ngày cao điểm lên tới con số 1.000 là lý do khiến VietMac quyết định Nam tiến. "Khi chúng tôi đưa sản phẩm vào Nam, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ xu hướng tiêu dùng của khách hàng với gần 70% số người hài lòng", anh Dương cho biết.

[Image]

Hiện tại, khách hàng chủ yếu của VietMac là dân công sở, văn phòng, giới học sinh, sinh viên với doanh thu mang về mỗi tháng tăng trung bình 20%. Có đợt cao điểm, con số này đạt mức ấn tượng khoảng 40%. Giá bán sản phẩm cũng linh hoạt tùy theo kích cỡ và đồ uống kèm, trong đó mức thấp nhất là 25.000 đồng và cao nhất trên 100.000 đồng.

"Chưa khi nào chúng tôi hài lòng với kết quả đã đạt được mà luôn tâm niệm rằng ngay cả khi thành công nhất doanh nghiệp đã phải chuẩn bị chiến lược, phương án để đối phó với bất cứ tình huống nào có thể xảy ra", anh nói.

Anh Dương cho hay hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn nhỏ đều đối mặt với bài toán khá nan giải là: Vốn. Lãi suất ngân hàng cùng với bối cảnh kinh tế "nhìn đâu cũng thấy khó khăn" là lý do khiến nhiều công ty thu hẹp quy mô sản xuất, tập trung vào lĩnh vực chính thay vì mở rộng.

"Trong thời điểm khó khăn, chúng tôi không cạnh tranh bằng giá rẻ mà cạnh tranh bằng thương hiệu, bằng sự khác biệt. Chúng tôi đã quyết định làm mặt hàng cơ bản là đồ ăn, bởi kinh tế có giảm thì vẫn phải ăn, phải uống. Hơn nữa mặt hàng này quay vòng vốn rất nhanh, không có tồn kho", anh Dương nói.

Khi được hỏi lý do chọn "cơm kẹp" là sản phẩm khởi nghiệp của mình, Giám đốc Nguyễn Thành Dương chỉ cười rằng: Đây giống như cái duyên không chờ đợi mà tới. Anh nhớ lại tháng 6/2010, tình cờ một người bạn - nay là Chủ tịch HĐQT công ty có chuyến công tác nước ngoài, và được hãng vận chuyển China Airlines phục vụ suất ăn đơn giản mà ấn tượng: Cơm nắm kẹp thịt. "Món ăn gợi cho bạn tôi hình ảnh rất đỗi quen thuộc của quê hương - nắm cơm muối vừng. Ý thức xưa bỗng dội về và bạn tôi nghĩ ngay ra ý tưởng kinh doanh. Chúng tôi bàn bạc với nhau và quyết định đưa ra sản phẩm cơm kẹp để bán ra thị trường", anh Dương kể.

Từ những ý tưởng được phác thảo trong đầu, Dương và 2 thành viên sáng lập VietMac đã phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ như lựa chọn gạo, xử lý bánh cơm, rồi tìm ra yếu tố cốt lõi của sản phẩm và xây dựng, quản lý các quy trình trong chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh. Anh tìm hiểu và ghi nhận từng việc một từ phát triển chuỗi, đến mô hình quản lý, cách thức lựa chọn bao bì quy trình phục vụ của nhân viên ngay tại quầy hàng. Và ngày 26/10/2010 - Công ty Cơm kẹp có tên VietMac ra đời.

VietMac là kết quả của sự giao thoa giữa “cơm nắm muối vừng” Việt Nam và đồ ăn nhanh - fastfood của phương Tây. Người Mỹ - nơi khai sinh ra fastfood quan tâm đầu tiên đến thành phần dinh dưỡng, nhưng đối với khẩu vị Việt luôn mang dấu ấn cá nhân. Sự khó khăn này không dễ khắc phục. "Đây chính là một thách thức mà VietMac phải trải qua", anh Dương nói.

Mỗi suất VietMac có ít nhất 4 loại rau tươi, kèm theo nước xốt đặc biệt của VietMac, được chế biến từ những rau quả, gia vị thuần Việt như: hành, tiêu xanh, húng quế, cam, me hay ớt tươi. Với 8 loại nước xốt khác nhau, hiện nay khách hàng VietMac có đến 27 lựa chọn cho các loại sản phẩm: cơm kẹp gà nướng mật ong, xốt bò tiêu xanh, hải sản xốt cay, heo sốt quế...

Để sản phẩm hợp khẩu vị với nhiều người, giai đoạn đầu, anh Dương phải nhờ đến sự hỗ trợ của anh em, bạn bè và đồng nghiệp, thậm chí là những chuyên gia am hiểu lĩnh vực ẩm thực để nếm thử. Người chê cũng có, lời khen cũng không ít. Từ sự trải nghiệm của mỗi người anh tổng hợp lại để đưa ra sản phẩm cuối cùng mang hương vị đặc trưng nhất, và phù hợp với thị hiếu của nhiều người. "Tôi vỡ òa trong vui sướng khi những chiếc bánh đầu tiên ra lò, mọi người dùng thử ai cũng đều khen ngon”, anh Dương kể.

Sau 10 tháng thành lập, VietMac đã được một số quỹ đầu tư định giá 2,25 triệu USD - con số cao gấp 10 lần giá trị đầu tư ban đầu. Có nhiều người ngỏ ý muốn mua cổ phần VietMac. Một doanh nhân có tiếng ở Việt Nam, đã cùng hai người con là sinh viên du học ở Mỹ về bay ra Hà Nội để ăn thử, sau đó tìm gặp lãnh đạo VietMac để đặt vấn đề mua lại cổ phần. Mới đây, VietMac đã hoàn tất vụ chuyển nhượng cổ phần đầu tiên cho công ty này.

Tuy vậy, vị giám đốc sinh năm 1984 Nguyễn Thành Dương vẫn khiêm tốn cho rằng, sự phát triển nóng luôn là cái bẫy mà mọi doanh nghiệp cần phải đề phòng. "Thực tế, khoảng 3 tháng đầu tiên chúng tôi đã phải đối mặt với sự khủng hoảng khi chất lượng sản phẩm không như ý, trong khi hệ thống phát triển quá nhanh. Chúng tôi đã nhận ra điều này để thay đổi mình", anh chia sẻ.

[Image]


Khởi đầu, tài sản của Thành Dương là tuổi trẻ, đam mê, giờ đây, anh là đồng sở hữu thương hiệu trị giá 2,25 triệu USD. Vị giám đốc trẻ cho biết: “Sau 40 tuổi tôi sẽ lùi về “hậu trường”, còn từ giờ sẽ cố gắng “chiến” thật khỏe”.

Sinh năm 1986, nhưng Nguyễn Thành Dương chững chạc hơn nhiều so với tuổi 25 của mình. Anh hiện là Giám đốc điều hành của thương hiệu cơm kẹp VietMac – một mô hình kinh doanh thức ăn nhanh rất đặc trưng Việt Nam, tương tự như món hamburger nhưng thay vì bánh mì thì sẽ là cơm ép dẻo.

Sau hơn một năm thành lập, VietMac đã có chuỗi cửa hàng tại Hà Nội và sẽ khai trương tại TP.HCM vào tháng 1/2012. Khởi sự từ bàn tay trắng, với sự đồng hành cùng hai anh chị doanh nhân, tới nay Nguyễn Thành Dương đã đồng sở hữu thương hiệu có trị giá 2,25 triệu USD.

Hành trình đến Việt Nam của cơm kẹp

Cơm kẹp (Rice Burger) từ lâu đã trở thành một món ăn được nhiều người tiêu dùng châu Á yêu thích. Từ khi xuất hiện, nó trở thành một hiện tượng của ngành công nghiệp thức ăn nhanh.
[Image]Rice Burger kiểu châu Á
Sự ra đời và phát triển của món cơm kẹp là một câu chuyện rất thú vị...

Người Nhật phát minh

Văn hóa bánh mì kẹp (Sandwich) du nhập châu Á 50 năm về trước và trở thành món ăn phổ biến tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có văn hóa ăn đũa như Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông... với làn sóng McDonald’s. Năm 1972 ông Satoshi Sakurada đã mở một cửa hàng burger đầu tiên tại Tokyo như một lời tuyên bố cạnh tranh với ông khổng lồ này tại đất nước mặt trời mọc.

Nhà hàng thức ăn nhanh theo kiểu phương Tây này được đặt tên là MOS Burger. Thương hiệu MOS được viết tắt bởi ba chữ Mountain, Ocean and Sun (Núi, Đại dương và Mặt trời), đã nhanh chóng trở thành chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh được yêu thích tại Nhật Bản.

Sau 7 năm hoạt động, MOS Burger có 100 cửa hàng. Năm 1983 nhà hàng MOS Burger nhượng quyền thương mại đầu tiên được khai trương cũng tại Tokyo. Tuy nhiên 1987 mới là năm đặt nền móng cho sự phát triển thực sự của chuỗi nhà hàng này khi họ tung ra “vũ khí bí mật” - cơm kẹp tên Tsukune (Tsukune Rice burger).

[Image]
Một cửa hàng MOS Burger tại Singapore

Món cơm kẹp này ngay lập tức được yêu thích và trở thành điểm khác biệt chính trong chiến lược cạnh tranh của MOS Burger. MOS Burger và biểu tượng cơm kẹp của mình nhanh chóng lan tỏa trên khắp Nhật Bản và vươn ra thế giới như Hồng Kông, Singpore, Đài Loan, Úc và các nước Đông Nam Á khác.

Ngày nay, MOS Burger có 2.000 cửa hàng tại Nhật Bản và 1.800 cửa hàng ở nước ngoài, là đối thủ đáng gờm của McDonald’s, nhờ phần lớn vào món cơm kẹp.

Người Mỹ nhân rộng

Trong quá trình toàn cầu hóa, McDonald’s đã nhanh chóng học hỏi văn hóa địa phương để xâm nhập sâu vào thị trường cũng như nâng cao tính cạnh tranh của mình. Tại thị trường châu Á, ông khổng lồ đã bắt chước người Nhật cho ra đời món cơm kẹp kiểu châu Á này, đầu tiên là tại Đài Loan vào đầu năm 2005 và trong vòng 6 tháng đã tiêu thụ được 5 triệu bánh, đi vào lịch sử doanh số tiêu thụ món ăn mới của McDonald’s.

Ông Steven Lee, Giám đốc điều hành McDonald’s Đài Loan từng cho biết: ”Đây là cuộc hôn nhân thành công đáng ngạc nhiên giữa văn hóa phương Tây và phương Đông, nó trở thành sản phẩm hàng đầu của McDonald’s tại thị trường châu Á to lớn và đầy tiềm năng này”.

[Image]
Món Greek Burger tại Hy Lạp

Cơm kẹp trở thành 1 trong 3 món ăn địa phương nổi tiếng nhất trong thực đơn của Mcdonald’s trên toàn thế giới. Tuy nhiên, món cơm kẹp đầy bí ẩn này vẫn không được phép bán tại Nhật Bản vì nó trở thành sản phẩm độc quyền của MOS burger, của người Nhật.
Người Việt tự tin

VietMac là công ty đầu tiên giới thiệu sản phẩm đặc biệt này tại cách đây 5 năm tại Hà Nội và được người tiêu dùng trẻ đón nhận nhiệt tình. Nhượng quyền thương mại là chiến lược đúng khi VietMac chọn để mở rộng hệ thống.

VietMac là người đầu tiên dựng “ngọn cờ cơm kẹp” bằng niềm đam mê và cam kết của chính mình. Đó là điểm mạnh mà VietMac cần xây dựng và phát huy nhanh chóng.

Ông Yamamoto Okata, chuyên gia phát triển thức ăn nhanh của một chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản tại TP.HCM nhận định, câu chuyện của VietMac thật thú vị và đáng khuyến khích nhìn từ góc độ tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, để thành công trong tham vọng nhân rộng bằng phương thức nhượng quyền và vươn ra thế giới, theo ông, bốn trụ cột cơ bản cần xây dựng ngay:

[Image]
Cơm kẹp VietMac của Việt Nam

Một: Phải luôn nâng cao và giữ vững chất lượng sản phẩm, nó sẽ tạo nên đẳng cấp cho thương hiệu. Chú ý từ những điều nhỏ nhất là vệ sinh cửa hàng đến phương thức chế biến. Người tiêu dùng sẽ nhận ra điều đó rất nhanh chóng.
Hai: Xây dựng quy trình hoạt động và sản xuất tại cửa hàng càng đơn giản càng tốt, điều này sẽ giảm thời gian vận hành tại cửa hàng và tạo sự tự tin lớn cho đối tác nhận nhượng quyền.

Ba: Ban Giám đốc nhanh chóng vượt ra khỏi “cái bếp” chế biến cơm kẹp, xác định thật cụ thể một chiến lược nhượng quyền thương mại, đặt lợi ích của đối tác nhận nhượng quyển lên hàng đầu để xây dựng các kế hoạch kinh doanh và hỗ trợ. Kinh doanh một nhà hàng cơm kẹp và kinh doanh nhượng quyền thương mại là hai lĩnh vực khác nhau rất nhiều.

Bốn: Nuôi dưỡng đam mê trong toàn thể công ty và cho những người nhận nhượng quyền đầu tiên. Họ chính là những sứ giả tiếp thị đầy quyền lực trong hệ thống.

Hành trình món cơm kẹp bí ẩn còn phía trước, dĩ nhiên người tiêu dùng Việt luôn ủng hộ và tự hào khi một thương hiệu Việt thành công.


Cơm kẹp VietMac khởi đấu hamburger

Từ tháng 7/2012, cơm kẹp VietMac sẽ ra khỏi biên giới Việt Nam, “tấn công” vào địa phận lâu đời của những chiếc hamburger phương Tây.


Thích lối sống Phương Tây nhưng yêu văn hóa ẩm thực Việt là nền tảng để Nguyễn Thành Dương, sáng lập viên, Giám đốc Điều hành VietMac, biến giấc mơ thành hiện thực.

Ép cơm thành... bánh

Một chiều tháng 2/2012, Nguyễn Thành Dương bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Đức. Sau năm phút tiếp chuyện người ở đầu dây bên kia, anh cúp máy, mỉm cười hài lòng vì món cơm kẹp của mình đã được kiều bào ở Đức biết đến.

Hai ngày sau, nụ cười của anh biến thành cái há hốc miệng vì ngạc nhiên: người Việt kiều gọi điện cho anh đã có mặt ở Việt Nam với đầy đủ giấy tờ để có thể tiến hành việc nhượng quyền thương hiệu. Với kinh nghiệm hơn 10 năm kinh doanh hamburger ở xứ người, đối tác của VietMac không ngại chia sẻ chiến lược và tư vấn ngược lại cho Ban lãnh đạo trẻ của VietMac về việc phát triển sản phẩm ngày một rộng hơn. 

Vậy là, từ tháng 7/2012, cơm kẹp VietMac sẽ ra khỏi biên giới Việt Nam, “tấn công” vào địa phận lâu đời của những chiếc hamburger phương Tây. “Bắt tay vào khảo sát thị trường, tôi thấy tiềm năng của sản phẩm rất lớn nhưng không nghĩ việc “xuất khẩu” sản phẩm và thương hiệu VietMac lại diễn ra nhanh đến vậy”, Dương chia sẻ.

Được đào tạo bài bản trong ngành công nghệ nhưng lĩnh vực Dương nổi tiếng lại là marketing. Tiếp xúc với mô hình bán hàng trực tiếp của mỹ phẩm Oriflame từ những ngày còn là sinh viên, Nguyễn Thành Dương nhanh chóng trở thành Giám đốc Bán hàng khu vực của thương hiệu này và sau đó giữ một vị trí chủ chốt ở một quỹ đầu tư của Nga có chi nhánh hoạt động tại Hà Nội.

Hơn 6 năm say sưa với công việc mang lại thu nhập không đến nỗi tệ, Dương chỉ giật mình khi nhận được câu hỏi của một đàn anh: “Chú mày định nghĩa lao động để kiếm tiền hay để gây dựng một cái gì đó cho con cháu sau này?”. Với Dương, câu hỏi này không khó trả lời, nhưng “Lúc đó, cái khó nhất với tôi là phải tự trả lời câu hỏi: Không làm thuê thì sẽ làm gì?”, anh tiết lộ.

Thương trường lắm thử thách, chi bằng dấn thân vào đó bằng niềm đam me món ăn truyền thống của dân tộc mình. Nhủ lòng như thế nên Dương quyết tâm tìm ra món ăn vặt nào mới lạ để có thể thu hút khách hàng.

Chứng kiến sự ngược ngạo của thị trường Việt Nam: hamburger - thứ thức ăn nhanh chỉ dùng khi chẳng đặng đừng của nước ngoài lại được giới trẻ Việt ưa thích còn hơn cả cơm nhà, Dương được người đàn anh tâm đầu ý hợp kia gợi ý về nên món cơm nắm cao cấp, có hình thức giống hamburger.

“Cái khuôn đầu tiên chúng tôi nhận cơm vào để cho ra hình bánh là chiếc gạt tàn thuốc và thứ nhân đầu tiên của cơm kẹp chính là thịt kho tàu”, Dương nhớ lại. Thử đi thử lại cả trăm lần, những thành viên sáng lập VietMac mới tìm được “bí quyết” pha trộn các loại gạo để cho ra bánh cơm dẻo, có độ kết dính tốt, cũng như cách thức để ép cơm thành bánh.

Anh cho biết, để ép ra một chiếc bánh cơm mịn màng, cần một lực tới... hơn một tấn! Nếu lực ép không đủ, bánh cơm rất dễ bị bở khi ăn; ngược lại, nếu lực ép quá lớn, hạt cơm sẽ bị vỡ và mất đi độ dai tự nhiên. Để tìm ra một lực ép lý tưởng, các chuyên gia kỹ thuật của VietMac đã ép thử tới hơn 200 lần trong 3 tháng thử nghiệm.

Ngành hàng chứ không chỉ là sản phẩm

Tháng 7/2011, VietMac ra mắt cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội và chính thức đi vào hoạt động. Đáp ứng được nhu cầu của người dùng thích lối sống Tây nhưng vẫn yêu ẩm thực truyền thống, chưa đầy một năm sau, số cửa hàng của VietMac đã lên đến 7 cửa hàng và thêm 1 cửa hàng VietMac “Nam tiến” tại quận Phú Nhuận, TP.HCM.

“Mục tiêu năm 2012 của chúng tôi là phát triển lên đến 10 cửa hàng và 5 năm tới sẽ có tròn 100 chi nhánh”, Dương tiết lộ. Để thỏa mãn ý thích của vị giám đốc điều hành trẻ, mỗi cửa hàng VietMac nay sẽõ có thêm “góc ăn vặt” bán những thức quà vặt đặc trưng của Việt Nam để khách hàng có thể mua mang về. Sắp tới, VietMac còn triển khai cả cơm tấm kẹp phục vụ điểm tâm sáng dù công nghệ ép cơm tấm khó gấp nhiều lần so với ép cơm gạo dẻo. 

Bỏ công khảo sát, tìm hiểu thị trường, Nguyễn Thành Dương nhận ra sản phẩm thức ăn tiện lợi là một thị trường cực kỳ tiềm năng của Việt Nam, với 869 tỷ đồng doanh thu và hơn 19.700.000 lượt giao dịch hằng năm. Dương chia sẻ: “Với một thị trường như thế, VietMac muốn cơm kẹp sẽ trở thành một ngành hàng chứ không đơn thuần là một sản phẩm trong thế giới thức ăn nhanh”.

Giải thích cho mục đích này, Nguyễn Thành Dương cho biết, từ cơm kẹp ban đầu, VietMac đã xác định kế hoạch phát triển những tầng sản phẩm thức ăn nhanh khác. Khi thương hiệu VietMac đã được nhận diện rõ nét cũng là lúc Dương sẽ triển khai các tầng sản phẩm phụ này.

“Bây giờ thị trường cơm kẹp vẫn còn là đại dương xanh, nhưng nó sẽ hóa đỏ trong thời gian rất sớm”, Dương nhận định. Vì điều này mà anh đang chấp nhận “biệt phái” tại TP.HCM, nỗ lực tìm kiếm đối tác để nhượng quyền thương hiệu cũng như phát triển chuỗi cửa hàng VietMac. 

“May mắn khởi đầu là nhiều doanh nhân có tên tuổi đã trở thành đối tác nhượng quyền của VietMac, trong đó có cả anh Mã Thành Danh, Chủ tịch Savina, người từng là Chủ tịch HĐQT của Kinh Đô Bakery.

Dưới đây là cuộc trò chuyện với vị giám đốc trẻ tuổi này:

Thử nghiệm 30 loại gạo mới tìm được loại phù hợp

- Điều gì đã khiến anh bén duyên với việc kinh doanh cơm kẹp?

- Ngay từ thời sinh viên tôi đã hay đi du lịch bụi ra nước ngoài, hồi ấy đi cũng tranh thủ ngó nghiêng, thấy người ta sử dụng sản phẩm ăn nhanh nhiều, cũng rất thích nhưng không nghĩ là có thể gây dựng một thương hiệu riêng mang tính chất đặc trưng của người Việt. Rồi năm ngoái, vô tình thôi, tôi gặp anh Thanh (một trong 3 thành viên chủ chốt của doanh nghiệp bây giờ), được chia sẻ ý tưởng thì mới thực sự thấy thôi thúc cần triển khai dự án này. Trong thời điểm khan hiếm ý tưởng thì quả thực ý tưởng xây dựng thương hiệu cơm kẹp là một bước đột phá.

- Việc biến một món ăn nhanh theo phong cách nước ngoài thành một sản phẩm mang đậm hương vị Việt Nam chắc hẳn là một quá trình không hề đơn giản đối với anh và các đồng nghiệp?

- Quả thực là rất vất vả, bởi sản phẩm làm từ cơm thì khó hơn sản phẩm làm từ bánh mì nhiều. Chúng tôi đã phải chọn ít nhất 30 loại gạo mới chọn được những loại phù hợp.Vì gạo cho sản phẩm này phải có cái đặc trưng là phải dẻo, phải dính được với nhau, nhưng ăn không được gây ngán. Khi đóng vào bánh cơm, dưới lực ép thì phải dính vào với nhau. Đặc biệt, do chúng tôi sản xuất theo quy trình nên chất lượng gạo phải ổn định, tuyệt đối không có sạn.

Quá trình đó, chúng tôi phải mày mò thử nghiệm từ con số 0, bởi là sản phẩm mới hoàn toàn, không ai dạy mình nên làm thế nào. Thời gian đầu, chúng tôi chỉ mới bán thử nghiệm cho bạn bè, người thân. Và khi chỉ số hài lòng của khách hàng đạt tới 65- 70% chúng tôi mới bán rộng rãi. Thời điểm đó cũng là thời điểm chúng tôi chấp nhận đối mặt với dư luận.

- Đến thời điểm này thì anh đã đi vào guồng của công việc chưa?

- Tôi đã từng đi làm thêm nhiều và đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, trong đó từng có một thời gian làm phục vụ tại nhà hàng, và đó là thời gian giúp tôi rất nhiều trong việc quản lý cửa hàng.

Trông thế thôi nhưng mình cũng phải biết lau một cái cốc như thế nào cho sạch, lau cái bàn như thế nào cho mọi thứ đều ổn… để truyền đạt lại cho nhân viên. Hoặc những ngày làm việc bình thường, tôi mặc rất lịch sự, nhưng khi cần đưa hàng gấp thì cũng sẵn sàng khoác áo đồng phục, đóng một cái thùng rất to để đưa hàng, thậm chí cũng có lúc bán hàng rất khỏe, bán từ sáng đến tối luôn.

Sau này, khi bắt đầu ra chuỗi các cửa hàng thì quy mô lớn hơn nhiều thì tôi tập trung vào việc phát triển. Đây là thế mạnh của tôi và tôi nghĩ mình đang đi rất đúng hướng.

- Một điều nhiều người khá băn khoăn là khi khởi nghiệp, đặc biệt là trong ngành dịch vụ ẩm thực thì người ta thường chọn TP.HCM làm điểm bắt đầu, nhưng anh và cơm kẹp lại khởi động tại Hà Nội, nơi mà về việc thưởng thức đồ ăn dường như khó tính hơn?

- Thực ra cái gốc của vấn đề là nhóm làm dự án VietMac đều ở Hà Nội. Ngoài ra còn có một chiêm nghiệm như thế này, đó là về ẩm thực, người Hà Nội khó tính hơn rất nhiều. Nhưng nếu như khẩu vị làm thành công ở Hà Nội thì sẽ rất tự tin ở TP.HCM (dĩ nhiên là phải điều chỉnh cho phù hợp với người miền Nam). Và thực tế là sau khi mở ở Hà Nội, rất nhiều người ở TP.HCM đã ăn và muốn nhượng quyền thương hiệu. Hiện tại thì chúng tôi đã mở chi nhánh tại TP HCM và sẽ khai trương cửa hàng vào đầu năm 2012 tới.

“Làm một mình chắc có lúc đập đầu vào tường”

- Bản thân anh thời sinh viên có nhiều ý tưởng về kinh doanh và chắc hẳn anh rất mong muốn thực hiện sớm nhất các ý tưởng của mình?

- Tôi là tuýp học Toán, dân ý tưởng, thích nghĩ nên hay đi để nhìn ngó. Bản thân tôi thì cũng có nhiều ý tưởng hay để làm, nhưng phải tại một thời điểm nào đó thì mình cần phải biết ưu tiên ý tưởng nào cho phù hợp.

- Nói về sự sáng tạo, theo anh thì các bạn trẻ có ý tưởng rồi nhưng sáng tạo như thế nào để có được thành công?

- Ý tưởng là một phần, nhưng thực ra nó liên quan đến những thứ khác như vốn, kinh nghiệm và cách thức bạn triển khai dự án đó thế nào. Khi làm một cái gì đó, điều đầu tiên mình nghĩ là chi bao tiền, nhưng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải sáng tạo hơn, để chúng ta vẫn hoàn thành công việc tốt nhất với một mức chi tiêu thấp nhất.

Các bạn sinh viên thì thường có một điểm chung là thiếu vốn. Tôi nghĩ trong trường hợp này, chúng ta nên tìm kiếm những người mà mình tin tưởng. Đừng nhìn vào điểm yếu của mình. Nếu mình nhìn vào điểm yếu của mình là vốn thì sẽ không làm được cái gì. Thay vào đó, cần tính đến điểm mạnh của mình, đó tuổi trẻ, là nhiệt tình và quan trọng nhất là khả năng sáng tạo không hạn chế.

- Nhưng không it bạn trẻ khi khởi nghiệp đã lựa chọn cho mình việc “độc lập tác chiến”, bởi họ thích làm ông chủ, dù chỉ với một số vốn rất ít ỏi.

- Tôi nghĩ rằng mỗi người khi lập nghiệp đều có những sự lựa chọn phù hợp cho bản thân, không phủ nhận việc đi làm thuê hay làm ông chủ là con đường không hề sai. Nhưng từ kinh nghiệm của rất nhiều doanh nhân thành đạt cũng như những người đang theo đuổi lĩnh vực này thì làm bất kỳ công việc nào cũng cần có những người đồng hành, với ít nhất là “ba cái đầu”.

Nếu làm một mình, tôi nghĩ chắc có lúc mình “đập đầu vào tường mà chết”, vì có những thời điểm thực sự rất khủng khiếp và nếu không có người cùng chia sẻ khó khăn, chúng ta khó mà vượt qua. Bởi vậy nếu có sự chia sẻ và đạt được sự đồng thuận thì khả năng thành công sẽ nhiều hơn.

Thời gian lông bông ngắn ngủi

- Dường như anh kết hôn khá sớm, đó có phải là điểm chung của các doanh nhân trẻ thành đạt?

- Với những người khác thì tôi không biết, nhưng bản thân tôi thì có tư duy là ổn định. Ổn định sớm rồi làm gì thì làm, chứ chơi nhiều, lông bông nhiều thì mất thời gian lắm.

- Vậy dường như thời gian lông bông của anh khá ít so với nhiều bạn bè, bởi vừa ra trường thì đã kết hôn, đi làm mải miết ngay khi còn sinh viên và sau đó thì “bập” vào công việc mới mẻ này?

- Đúng là tôi rất ít khi đi chơi, đến mức bố mẹ, rồi vợ thường xuyên gọi điện hỏi thăm xem tôi sống thế nào. Vì một năm nay chúng tôi thường xuyên họp với nhau lúc 9-10h tối, ngày nào cũng thế, sau đó mới về. Bố mẹ nói rất nhiều về việc đó nhưng tôi chỉ biết nói với bố mẹ là công việc mang lại cho tôi niềm vui và tôi không thấy mệt. Tôi biết khi tôi nói vậy bố mẹ sẽ ủng hộ bởi nếu bảo con đang kiếm tiền thì ngay lập tức bố mẹ tôi sẽ nói rằng đừng cố quá, giàu cũng là cái số…

- Nói vậy nhưng anh có đặt một cái mốc cụ thê cho cuộc đời của mình trong lĩnh vực kinh doanh?

- Ngay khi lên Hà Nội học đại học là lập tức tôi muốn trở thành một phần trong cuộc sống này, bởi tôi thấy mình hợp nó và phải chiến đấu với nó. Và tới thời điểm này, tôi đặt ra mục tiêu là trước 30 tuổi trở thành triệu phú. Và đến thời điểm này thì mình thấy vẫn còn cơ hội thực hiện mục tiêu đó.

- Anh có nghĩ là kiếm được ngày càng nhiều tiền thì mình sẽ càng “hăng” và không bao giờ ngừng nghỉ, rồi sẽ mãi không có thời gian cho gia đình và những thú vui khác không?

- Vấn đề là ở từng giai đoạn của cuộc đời mình xác định điều gì với mình là quan trọng. Có lẽ tôi sẽ không mải miết làm mà quên hết mọi thứ như vậy, tôi nghĩ khoảng 40 tuổi sẽ lui về hậu trường, làm đầu tư thôi, còn trước 35 thì cố gắng chiến đấu thật khỏe.

Tham khảo: Tuoitre.vn, Infonet, VnExpress.net, Doanh nhân Sài Gòn, Nhượng quyền Việt Nam

Tags: ,

Giới thiệu về NguoiThanhCong.net

Là mạng lưới của những người khát khao thành công, chia sẻ câu chuyện của những tấm gương thành công đáng để học hỏi.

1 nhận xét

  1. JackpotCity Casino Online NJ Review | Claim Your $100 Bonus
    JackpotCity Casino 포항 출장마사지 online NJ is offering you a $100 bonus. Claim your 라이브스코어 $100 bonus. Read our comprehensive 안동 출장샵 review 경기도 출장마사지 about its welcome offer 구미 출장샵 and get yours today!

Leave a Reply