Nguyễn Ngọc Điệp - sáng lập website thương mại điện tử Vatgia.com

Nguyễn Ngọc Điệp - Ông chủ website vatgia.com
Học hành: Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội, sau đó đi du học tại Nhật Bản
Sự nghiệp: Năm 2007, quay về  sáng lập Vatgia.com
■Câu nói tâm đắc: "Trong công ty, chỉ có một ông chủ duy nhất đó là khách hàng. Khách hàng có thể đuổi việc từ giám đốc cho đến nhân viên chỉ với một hành động duy nhất đó là mua hàng của công ty khác"

Thiếu kinh nghiệm, vốn đầu tư tiêu hết vèo chỉ sau 12 tháng, phải cầm cố cả nhà cửa, Nguyễn Ngọc Điệp vẫn không từ bỏ ý xây dựng web mua sắm có cái tên rất Việt - Vatgia.com. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời (Nhà may Phú Hưng với hơn mười cửa hàng tại Hà Nội), dường như chẳng bao giờ Điệp phải lo toan đến những chuyện cơm - áo - gạo - tiền. 

Website vatgia.com

Năm 22 tuổi sau khi tốt nghiệp trường Đại học Ngoại Thương, Điệp nhanh chóng đầu quân cho một doanh nghiệp ở Nhật Bản rồi trở thành một trong những người làm thuê với mức lương tháng lên tới hơn 10.000 USD. Anh nhanh chóng tậu nhà, xe và nhiều phương tiện khác có giá trị mà chẳng cần bất cứ sự trợ giúp nào từ cha mẹ.
“Cuộc đời là chuỗi những nhân duyên, chẳng ai sinh ra đã nghĩ mình sẽ trở thành ông chủ doanh nghiệp, tôi cũng vậy. Đôi khi cơ hội đến bất ngờ như thể số phận đã định sẵn vậy và nó buộc phải xảy ra”, Giám đốc Vatgia.com lý giải rất đơn giản về con đường khởi nghiệp của mình.
Hồi đó, bạn bè, người quen thường nhờ Điệp đặt mua máy tính, máy ảnh, camera, mỹ phẩm,… của Nhật để gửi về Việt Nam. Công việc bận rộn, không có điều kiện đi lại nhiều, Điệp mày mò đặt mua hàng qua các trang mạng của Nhật. Thực hiện càng nhiều giao dịch online, Điệp càng thấy ham mê. Anh bắt đầu để tâm nghiên cứu các website thương mại điện tử tại đây.

Ông chủ web Vatgia.com - Nguyễn Ngọc Điệp.

Ban đầu, Điệp có ý tưởng xây dựng một website hoàn toàn bằng tiếng Nhật để cung cấp thông tin về Việt Nam cho khách hàng Nhật Bản. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với họ, anh hiểu rằng người Nhật yêu cầu tiêu chuẩn rất cao. Ngoài thông tin đồng bộ, họ còn yêu cầu hệ thống thanh toán, thẻ tín dụng… kèm theo, nên anh làm thử bằng tiếng Việt trước.

“Bạn bè là người Nhật khi biết ý tưởng này cũng khuyên tôi nên tập trung làm thị trường Việt Nam bởi với gần 90 triệu dân, đây là một thị trường vô cùng tiềm năng cho thương mại điện tử, lại đang bị bỏ ngỏ hoàn toàn, chưa có một công ty nào chiếm lĩnh”, Điệp kể.

Anh mang ý tưởng này đến làm việc với gần 20 công ty có tiếng về công nghệ tại Việt Nam để đặt hàng họ phát triển. Tất cả đều lắc đầu từ chối vì yêu cầu của Điệp đưa ra về dữ liệu và tính năng quá khó và phức tạp. Chán nản nhưng Điệp không chịu bỏ cuộc, anh tiếp tục tìm người nghiên cứu độc lập. Sau 6 tháng làm ngày làm đêm, website vatgia.com bắt đầu thành hình vào đầu năm 2007.

Những ngày đầu hào hứng, Điệp nhẩm tính với số vốn tích luỹ vài trăm nghìn đôla, cộng thêm tiền cho thuê căn nhà anh sở hữu và tiền lương làm thêm cho công ty cũ, anh có thể duy trì được công ty mới hoạt động. Ai ngờ, đúng một năm sau, khi vatgia.com vẫn còn trong giai đoạn khởi động, chưa mang lại doanh thu thì nguồn vốn mà anh có - 300.000 đôla bắt đầu cạn kiệt. Trong khi, mỗi tháng anh vẫn phải ứng tới 200 triệu đồng để trả lương nhân viên, Vatgia.com đứng chênh vênh bên bờ phá sản. Đã có lúc anh tính đến việc bán nhà, bán xe, cầm cố đồ đạc có giá trị để duy trì công ty hoạt động.

Thế nhưng, trong lúc khó khăn nhất, vận may vẫn mỉm cười với Điệp. Bạn bè bên Nhật biết anh khó khăn đã tự nguyện giúp đỡ người 5.000, người 10.000 đôla và động viên anh vượt khó. Được bạn bè giúp sức, vatgia.com tiếp tục duy trì hoạt động cho đến tháng 3/2008 thì Quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ - IDG đã quyết định rót vốn vào đây. “Trước khi IDG vào một tháng, chúng tôi đang ở giai đoạn cầm cự, anh em 'ăn cơm nắm nằm vùng' để duy trì hoạt động của công ty”, Điệp kể.

Thế nhưng, có tiền, Điệp lại vấp phải khó khăn mới - đó là nghĩ cách tiêu tiền. “Có tiền, chúng tôi bắt đầu mở rộng quy mô, lập cơ sở mới, thuê văn phòng to đẹp hơn, thu nhập anh em cũng tăng đáng kể. Thế nhưng, cái khó lại nảy sinh”, Điệp kể.

Vatgia.com khởi đầu với 5 thành viên bỗng chốc tăng tới 70 người, rồi 120 nhân viên… Điệp đối mặt với thách thức trong quá trình hoạt động, nhân viên đi về không ai quản lý, phòng nhân sự chưa có, mỗi thành viên quản lý một nhóm nhỏ độc lập như một vương quốc riêng.... Mọi thứ trở nên hỗn loạn. Lúc bấy giờ, Điệp cầu cứu các công ty lớn cùng ngành tại Nhật.

“Sau khi nghe, họ không đưa ra lời khuyên mà tặng cho cuốn sách và nói về nhà đọc, mọi bí quyết nằm cả trong đó”, anh kể. Đọc xong cuốn sách “Xây dựng để trường tồn” mà bạn bè tặng, Điệp thở phào. Anh hiểu rằng muốn công ty lớn mạnh phải cần xây dựng một văn hoá riêng, có giá trị cốt lõi, mục tiêu dài hạn... mới có thể thống nhất phát huy được sức mạnh tinh thần và mọi nguồn lực của nhân viên.

Điệp tâm niệm trong công ty, ông chủ duy nhất là khách hàng. "Tôi nhớ mãi câu nói của Sam-Walton người sáng lập Tập đoàn bán lẻ số 1 thế giới Wal-Mart: Trong công ty, chỉ có một ông chủ duy nhất đó là khách hàng. Khách hàng có thể đuổi việc từ giám đốc cho đến nhân viên chỉ với một hành động duy nhất đó là mua hàng của công ty khác. Chính câu nói này đã định hướng toàn bộ công ty tôi”, Điệp nói.

Xác định được hướng đi, mục tiêu và giá trị cốt lõi, vatgia.com nhanh chóng ổn định hệ thống và tạo nên những bước nhảy vọt. Đến đầu năm 2010, vatgia.com bắt đầu tạo ra dòng tiền dương.

Nhiều năm nay, Điệp vẫn trung thành với chiếc xe mà anh mua khi còn làm tại công ty cũ và giữ mức lương 1.000 đôla một tháng. Trong khi đó, nhiều cán bộ dưới quyền nhận khoản thu nhập gấp đôi thậm chí gấp 3 so với giám đốc. Sở dĩ anh sống sung túc với mức lương "khiêm tốn" này vì cho rằng mình may mắn khi vẫn giữ được 2 căn nhà cho thuê. Đây là 2 trong số 3 căn nhà mà Điệp mua được tại thời điểm chưa thành lập công ty riêng.

Năm học lớp 9, bố mẹ ly hôn, anh phải ở nhờ họ hàng và di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Tại thời điểm đó, Điệp hiểu được giá trị của ngôi nhà nên khi kiếm được tiền là anh quy đổi hết ra nhà đất. Thế nhưng kể từ khi mở công ty, tất cả nhà đều phải cho thuê để có tiền duy trì Vatgia hoạt động.

Năm 2008 (vừa tròn 30 tuổi) anh được về ở tại căn nhà của chính mình bởi đã có dòng tiền đầu tư đến từ IDG. “Phần thưởng lớn nhất đối với tôi trong quá trình khởi nghiệp là đã trở về được chính ngôi nhà của mình chứ không phải tiếp tục sống kiếp ở thuê nữa”, Điệp tâm sự.


-------------------------------


Chia sẻ bí quyết thành công của Website: vatgia.com

Thứ Bảy, 12-06-2010 - 10:38 SA     Theo elearning
Trong suốt quá trình điều nghiên thị trường dịch vụ tư vấn mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, chúng tôi thật sự bị thuyết phục bởi VATGIA.COM. Đây là một dịch vụ đầy triển vọng, mà đằng sau thành công của mô hình này là cả một câu chuyện giàu cảm xúc đã được viết nên bởi một cái tên khá “kín tiếng” trong làng e-commerce: VN Price JSC.
Chưa bao giờ thị trường cung cấp dịch vụ tư vấn mua sắm qua mạng tại Việt Nam lại sôi động như hiện nay. Tuy nhiên, số lượng Web site đúng nghĩa và thành công có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay! Sau 123mua! và Aha - Web site xúc tiến thương mại điện tử rất được Tạp chí danh tiếng Business Week ngợi khen, một “hiện tượng” nữa cũng đã xuất hiện với cái tên VATGIA.COM. Mặc dù mỗi người có riêng chí hướng và cách làm, song tất cả đều cùng chung một khát vọng: biến vùng đất “khô cằn sỏi đá” như thương mại điện tử trở thành “thiên đường mua sắm” dành riêng cho người Việt...Xây “thiên đường” bằng “giải thuật” “thất trụ”

-----------------------------------------


Trong suốt quá trình điều nghiên thị trường dịch vụ tư vấn mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, chúng tôi thật sự bị thuyết phục bởi VATGIA.COM. Đây là một dịch vụ đầy triển vọng, mà đằng sau thành công của mô hình này là cả một câu chuyện giàu cảm xúc đã được viết nên bởi một cái tên khá “kín tiếng” trong làng e-commerce: VN Price JSC.

...Tháng 10/2004, với khát vọng mưu cầu tri thức trước khi nghĩ đến chuyện kinh doanh, anh Nguyễn Ngọc Điệp (hiện là Giám đốc VN Price JSC) đã khăn gói lên đường sang Nhật du học khóa đào tạo thạc sĩ của Trường Đại học Tokyo. Tại đây, anh đã bị choáng ngợp nhưng rồi lại nhanh chóng đam mê nghiên cứu các mô hình thương mại điện tử vốn được xem là thành công nhất lúc bấy giờ của xứ sở hoa anh đào. Hai năm sau, khi đã hấp thụ được bảy tám phần tinh hoa của e-commerce Nhật Bản, anh quyết định trở về Việt Nam để triển khai thử nghiệm. Nói là làm, anh và một số bạn bè đã góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Vật giá Việt Nam (tên viết tắt là VN Price JSC, có trụ sở chính đặt tại 202A Phố Huế, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với lĩnh vực kinh doanh khá rộng. Tuy nhiên, VATGIA.COM (ra mắt người dùng vào ngày 15/7/2007) mới là hoạt động đầu tiên và đóng vai trò xương sống cho những loại hình còn lại của VN Price JSC.

Mặc dù chỉ được xây dựng trong khoảng thời gian ngắn (có 7 tháng), song VATGIA.COM đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Đến với Web site này, bạn sẽ được cung cấp miễn phí mọi thông tin hữu ích trước khi quyết định là nên mua hàng ở đâu để được lợi nhất. Với trên 150.000 sản phẩm (nhiều gấp 5 lần so với một Web site thông thường về tư vấn mua sắm qua mạng) và hơn 1.600 gian hàng trực tuyến hiện có trong cơ sở dữ liệu, VATGIA.COM đã trở thành một trong số ít công cụ tìm kiếm và đối sánh sản phẩm hùng mạnh nhất hiện nay tại Việt Nam. Tính năng độc đáo nhất của nó có lẽ chính là khả năng liệt kê tất cả những sản phẩm phù hợp với giá thành nằm trong ngưỡng do người dùng quy định tìm kiếm. Tất cả đều được thực hiện chỉ trong đôi ba cú nhắp chuột đơn giản.

Hiện tại, mỗi ngày, VATGIA.COM đón tiếp trung bình khoảng trên 15.000 khách truy cập (Thống kê T12/2007 theo Google Analytic) và hỗ trợ thành lập gian hàng trực tuyến cho gần 20 doanh nghiệp thành viên mới. VATGIA.COM cung cấp 3 hình thức thanh toán khi mua hàng qua mạng: trả bằng tiền mặt khi nhận hàng, trả qua tài khoản ngân hàng và trả bằng thẻ tín dụng. Ngoài ra, người dùng còn được cung cấp khá nhiều thông tin hữu ích khác, chẳng hạn như các chương trình khuyến mãi mới nhất của doanh nghiệp và đặc biệt là tính năng bình luận/chia sẻ kinh nghiệm mua sắm sản phẩm giữa những người tiêu dùng với nhau. Tuy nhiên, để giúp người dùng yên tâm hơn khi thanh toán, VATGIA.COM sẽ triển khai tính năng giới thiệu đối tác tin cậy. Theo đó, người dùng chỉ nên giao dịch với những doanh nghiệp đã được VATGIA.COM xác thực và bảo đảm.

Để có được thành công như trên, ít ai biết rằng, tất cả 25 nhân viên của công ty này đã phải làm việc trong một ngôi nhà nhỏ hẹp và bỏ ra gần 16 giờ/ngày, liên tục trong 7 tháng, để thu thập, số hóa và tích hợp dữ liệu cho hệ thống của VATGIA.COM. Chưa hết, không phải lúc nào cũng vận động được doanh nghiệp tham gia. Có khi mất cả tháng trời để giúp họ hiểu được giá trị thực sự của dịch vụ. Với số vốn ban đầu còn khá khiêm tốn, chi phí đầu tư cho quảng bá dịch vụ gần như không có. Tuy nhiên, VATGIA.COM đã được người dùng biết đến nhiều là do nỗ lực “đi cầm loa” để loan tin của mọi thành viên trong công ty, từ sự ủng hộ truyền miệng của bạn bè, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhờ vào bản sắc không thể lẫn vào đâu được của dịch vụ.

Chia sẻ về bí quyết đã làm nên một VATGIA.COM độc nhất vô nhị, anh Nguyễn Ngọc Điệp (hiện là Giám đốc VN Price JSC) thổ lộ: “Để đạt được tôn chỉ “Thiên đường mua sắm” như đã đề ra, chúng tôi đã, đang và sẽ phát triển đầy đủ 7 tính năng lớn cho VATGIA.COM. Nó phải là một công cụ tìm kiếm cho phép người dùng biết được sản phẩm nào là rẻ nhất, tốt nhất, có chất lượng dịch vụ hậu mãi cao nhất, nơi nào có nhiều sản phẩm nhất, công cụ thiết kế gian hàng trực tuyến và khả năng tùy biến giao diện người dùng. Tôi luôn áp dụng lý thuyết về nhà hàng và món ăn trong việc quảng bá sản phẩm của mình. Làm thương mại điện tử cũng gần giống như vậy. Nếu món ăn không ngon, dịch vụ không tốt, thì quảng cáo tốt mấy đi nữa, người ta ăn một lần rồi sẽ không bao giờ đến nữa. Trái lại, cho dù quán ăn có ở tận hẻm cụt, vẫn sẽ luôn có khách hàng chấp nhận ngồi chờ để được phục vụ. Có một điều mà tôi cảm thấy vui mừng đó là nhân viên của tôi rất đoàn kết, chấp nhận vất vả và cam kết gắn bó lâu dài, dù rằng ngay bây giờ họ hoàn toàn có thể đầu quân cho những công ty lớn với đồng lương cao hơn. Với số vốn hạn hẹp, chúng tôi sẽ tập trung cho việc nâng cao chất lượng. Đó là con đường duy nhất để Công ty được trường tồn”.

… Vẫn còn quá sớm để khẳng định về sự thành công của những dịch vụ tư vấn mua sắm qua mạng tại Việt Nam. Bởi lẽ tất cả hiện còn rất trẻ. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định một điều rằng chính những con người như họ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng một e-commerce mang tên Việt Nam. Hơn bao giờ hết, đất nước đang đứng trước cơ hội đuổi kịp mặt bằng chung của thế giới về công nghệ và giải pháp thương mại điện tử. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất đã tạo ra phân cách giữa ta và người, giữa Google với Vatgia.com, 123mua! hay Aha chính là “thể lực” và sự cam kết tuyệt đối, lâu dài với người dùng. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi doanh nghiệp trẻ không chỉ giỏi về tài, mà còn phải vẹn chữ đức. Một cánh chim không làm nên mùa xuân. Nhưng nhiều đàn én chắc chắn sẽ vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp cho thương mại điện tử Việt Nam.






Làm thương mại điện tử, nếu hoành tráng là chết

Nguyễn Ngọc Điệp, người sáng lập và điều hành sàn mua sắm trực tuyến Vật Giá (vatgia.com) ví làm thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam cũng giống như làm cách mạng, phải biết "ăn cơm nắm nằm vùng" nếu không tiết kiệm chờ thời sẽ không thể tồn tại.


Nguyễn Ngọc Điệp bỏ dở việc học thạc sĩ kinh tế ở Nhật về nước mở trang web Vatgia.com. Ảnh Vnexpress.net
Hiện trung bình mỗi tháng, Vatgia.com có 1 triệu lượt người truy cập (theo số liệu từ Google). Vật Giá không tiết lộ doanh thu, chỉ cho biết trong năm 2010, công ty đã bắt đầu có lãi và có lẽ là sàn TMĐT Việt Nam đầu tiên đạt được thành tích đó. Doanh thu của Vatgia.com chủ yếu là từ nguồn thu 1% giá trị hàng hóa bán được trên sàn, phí gian hàng đảm bảo (500.000 - 1.000.000 đồng/tháng), quảng cáon trung bình mỗi tháng, Vatgia.com có 1 triệu lượt người truy cập (theo số liệu từ Google). Vật Giá không tiết lộ doanh thu, chỉ cho biết trong năm 2010, công ty đã bắt đầu có lãi và có lẽ là sàn TMĐT Việt Nam đầu tiên đạt được thành tích đó. Doanh thu của Vatgia.com chủ yếu là từ nguồn thu 1% giá trị hàng hóa bán được trên sàn, phí gian hàng đảm bảo (500.000 - 1.000.000 đồng/tháng), quảng cáo banner, phí click vào sản phẩm (1.000 đồng/click) trên website.

Tại sao ra đời muộn nhưng Vatgia.com lại vượt qua nhiều website, sàn giao dịch điện tử của nhiều doanh nghiệp lớn, như FPT, VTC và cả eBay ở Việt Nam?

Tay ngang làm TMĐT

Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Nhật của Đại học Ngoại thương vào năm 2004, Nguyễn Ngọc Điệp nhận được học bổng thạc sĩ kinh tế (MBA) tại đại học danh tiếng Kyoto (Nhật). Sang Nhật du học vào năm 2006, Điệp được bạn bè gửi tiền mua sắm hàng hóa gửi về, nhờ đó anh có cơ hội làm quen với các website TMĐT của Nhật. Số tiền bạn bè gửi nhờ mua sắm chủ yếu là hàng điện tử lên tới 3-4 triệu USD. Trải nghiệm thực tế ở Nhật đã giúp Điệp đam mê TMĐT và quyết định bỏ dở việc học để về nước thực hiện niềm đam mê của mình.

Về nước, Điệp vẫn tiếp tục làm cho công ty xuất khẩu lao động, tư vấn đầu tư và du lịch lữ hành với mức lương từ 6.000-10.000 USD mỗi tháng. Trong thời gian đó, anh bắt tay nghiên cứu lập website TMĐT. Ngoài trải nghiệm thực tế về mua sắm trực tuyến ở Nhật và niềm đam mê, Điệp cho biết anh có rất nhiều số "không": không bạn bè làm TMĐT, không kiến thức CNTT, không thương hiệu, không khách hàng, không kinh nghiệm và không nhiều tiền, vài trăm ngàn USD vốn liếng chỉ đủ duy trì Vatgia.com trong 6 tháng.

Tuy nhiên, điều khiến Điệp có thêm niềm tin là người sáng lập Rakuten (website TMĐT lớn nhất của Nhật và là hình mẫu của Vatgia.com hiện nay) có một số điểm chung giống anh. Ông chủ Rakuten – Hiroshi Mikitani tốt nghiệp kinh tế ở Mỹ và cũng không am hiểu về CNTT. Một trùng hợp thú vị nữa là tên vợ ông Mikitani trùng với tên vợ Điệp (cũng là người Nhật) và ngày sinh của Điệp trùng với ngày sinh của ông Mikitani. Sau này, khi tìm hiểu, Điệp nhận thấy nhiều website TMĐT nổi tiếng khác như ông chủ Alibaba cũng không biết về CNTT và không có tiền khi khởi nghiệp.

Theo Điệp, không biết về CNTT có khi lại là điều may mắn bởi điều quan trọng nhất của người làm TMĐT là hiểu tâm lý của người tiêu dùng. Những người làm CNTT thường phức tạp hóa vấn đề, mà quên mất rằng người dùng chỉ cần tin cậy, tiện lợi và dễ sử dụng.

Sàn TMĐT hấp dẫn cần có "gái đẹp"

Một vấn đề kinh điển được nhắc đến nhiều ở Việt Nam là TMĐT không phát triển được là do chưa có thanh toán điện tử. Nhưng với Vatgia.com, Điệp khẳng định thanh toán không là vấn đề gì cả. Bởi theo anh, ngay cả những website TMĐT lớn ở Nhật cũng khuyên nên chuyển hàng đến nhà rồi thanh toán hoặc dùng Internet Banking, vì nếu khách hàng dùng thẻ tín dụng thanh toán phải chịu phí khoảng 3,5%. Trong thời gian ở Nhật, Điệp cho biết khoảng 95% số tiền anh mua hàng trên các website thương mại trực tuyến là sử dụng phương thức nhận hàng trả tiền (COD) hoặc mua qua Internet Banking.

Điều đó cho thấy thẻ tín dụng không phải điều cốt tử của TMĐT mà quan trọng nhất là tạo dựng uy tín của người bán. Điệp ví sàn TMĐT giống như sàn nhảy, khi mời được nhiều cô gái đẹp đến chắc chắn sẽ hấp dẫn các thanh niên đến tìm cách khiêu vũ cùng các cô gái. Vatgia.com làm đúng theo công thức này, hiện tại tập hợp được hơn 12.000 người bán hàng, trong đó có 2.500 người bán có uy tín được đảm bảo về giao dịch (Vatgia.com cam kết hoàn tiền 100% trong trường hợp người mua hàng tại các "gian hàng đảm bảo" gặp rủi ro).

"Khi đã có được 2.500 'cô gái đẹp' là những gian hàng đảm bảo, đương nhiên là người tiêu dùng sẽ tự vào", Điệp nói đồng thời khẳng định mô hình gian hàng đảm bảo là điều chưa ai làm được ở Việt Nam.

Mô hình này được Vatgia.com đưa ra từ năm 2009, hiện mỗi tháng có thêm 200 gian hàng. Với những gian hàng đăng ký tham gia là gian hàng đảm bảo, Vật Giá cử người đến kiểm tra cửa hàng, kho bãi và hàng hóa. Những người bán hàng không có giấy phép kinh doanh phải đặt cọc 5 triệu đồng để ký hợp đồng kinh tế với Vật Giá, nếu lừa đảo khách hàng phải đề bù. Vật Giá thu phí từ 500.000 – 1 triệu đồng/tháng với các gian hàng đảm bảo. Theo Điệp, ở môi trường mà cả người bán và người mua không có thẻ tín dụng như ở Việt Nam thì đảm bảo là hình thức tối ưu, là yếu tố cốt lõi để tạo niềm tin với người mua sắm trực tuyến.

Tuy nhiên, để có lượng lớn gian hàng đảm bảo như hiện nay là cả một quá trình dài và bền bỉ. Thời gian đầu, Điệp và các nhân viên phải đi thuyết phục từng doanh nghiệp cho đăng sản phẩm của họ lên. Sau một thời gian, số doanh nghiệp tự đăng thông tin sản phẩm tăng dần. Và khi số lượng gian hàng lên tới 5.000, Vật Giá bắt đầu thu phí doanh nghiệp tham gia bán hàng trên sàn. Ban đầu, Vật Giá chỉ thu phí gian hàng đảm bảo, phí 1% các giao dịch rồi mở dần thêm hình thức thu phí banner và phí người dùng "sờ sản phẩm" trên sàn được tính theo mỗi lần click chuột là 1.000 đồng (gian hàng đăng ký dịch vụ click chuột sẽ được ưu tiên lên đầu khi khách hàng tìm kiếm sản phẩm trên Vật Giá). Đây là điểm khác biệt của Vatgia.com với các website TMĐT ở Việt Nam.

Các website TMĐT khác ở Việt Nam thường chỉ thu phí banner và phí % giao dịch nhưng không có nguồn thu từ số lượng người truy cập. Chính vì vậy, nhiều sàn thương mại không có đủ nguồn thu để cải tiến công nghệ và không hút được vốn từ các nhà đầu tư. Đây là bài toán luẩn quẩn mà nhiều website TMĐT đang gặp phải: không có nguồn doanh thu tỷ lệ thuận với khả năng bán của những người kinh doanh trên sàn. Điều đó dẫn đến tình trạng người bán cứ bán còn người mở sàn không thu được phí, Điệp nói.

Ngoài vấn đề tái đầu tư và cải tiến công nghệ, theo Điệp, thu phí còn là cách khiến người bán hàng nghiêm túc hơn. Khi mất phí, chủ gian hàng sẽ chăm chút cập nhật thông tin sản phẩm trên gian hàng, làm cho chợ trực tuyến luôn sôi động.

Một phần doanh thu không nhỏ của Vật Giá hiện được đầu tư vào hoạt động đào tạo người bán. Điệp cho rằng đào tạo người bán là vấn đề gian nan bởi phần lớn những người có hàng hóa đều ở độ tuổi 40-50, phần nhiều không biết sử dụng máy tính và Internet. Vật Giá hiện có 250 nhân viên đi đào tạo người bán, hỗ trợ họ sử dụng máy tính, lướt web, mở gian hàng và hỗ trợ khách hàng. Sau khi đào tạo xong, Vật Giá có đội ngũ hiện tại là 50 người tiếp tục hỗ trợ cho người bán và thỉnh thoảng chia sẻ những kinh nghiệm thành công của những người bán ở lĩnh vực khác.

Vì sao Vatgia.com chỉ sau vài năm đã vượt qua nhiều website, sàn giao dịch điện tử của Việt Nam? Điệp cho rằng thực ra Vật Giá không có bí quyết nào cả, chỉ đáp ứng được các yêu cầu bình thường của khách hàng: cung cấp người bán đảm bảo, dịch vụ tốt, thanh toán an toàn và tiện lợi, tìm kiếm dễ dàng và vận chuyển tốt.

Vẫn "cơm nắm nằm vùng"

Mặc dù đang là "hiện tượng" trong lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam, Vật Giá vẫn duy trì văn hóa tiết kiệm, làm việc trong điều kiện khá chật chội, giám đốc cũng không có phòng làm việc riêng. Bởi Điệp xác định làm TMĐT ở Việt Nam là quá trình cực kỳ khắc nghiệt, nếu không thế sẽ không bao giờ bước chân được vào vũ đài cao nhất. Thực tế thị trường đã chứng minh điều này.

Cách đây 3 năm, có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước, gồm cả những tên tuổi lớn như FPT nhảy vào làm TMĐT với đầu tư rất hoành tráng, văn phòng đẹp nhưng phần lớn đều đã "ra đi", bởi theo Điệp, "nhu cầu thị trường sẵn sàng trả cho công việc này cực kỳ thấp, nếu không biết ăn cơm nắm nằm vùng như Bác Hồ làm cách mạng ngày xưa thì sẽ không có ngày toàn thắng".

Điệp cho biết Vật Giá đã bắt đầu có lợi nhuận trong năm 2010. Website TMĐT này, hiện được IDG và Cyber Agent (Nhật) đầu tư, dự kiến sẽ lên sàn chứng khoán trong 2 năm tới và đặt mục tiêu trở thành công ty Internet hàng đầu ở Việt Nam.




--------------------------------



Nhân dịp Chương trình Giao lưu tháng 6 đang thảo luận về chủ đề Khởi nghiệp, chúng tôi đã tìm đến phỏng vấn 1 doanh nhân khởi nghiệp rất thành công – anh Nguyễn Ngọc Điệp - Giám đốc công ty CP Vật Giá Việt Nam. Công ty Vật Giá (vatgia.com) đang có những bước tiến mạnh mẽ sau 3 năm thành lập và là một trong những công ty tiên phong và đứng đầu về thương mại điện tử Việt Nam.


CĐTC: Người ta thường nói rằng: “Cái gì cũng có cái giá của nó”. Vậy anh đã phải trả giá như thế nào từ khi thành lập công ty để vatgia.com có thương hiệu thành công như hiện tại?

NNĐ: Tôi không nhớ rõ lắm mình đã bị mất những gì khi thành lập công ty. Nhưng tôi nhớ rất rõ điều đã đọc về những “cái mất” khi thành lập công ty và xác định làm Giám đốc trong 1 cuốn sách.

Thứ nhất, khi làm Giám đốc, bạn sẽ mất nhiều tiền bạc. Ngoài chuyện bỏ vốn, bạn cần phải trả lương hàng tháng cho nhân viên chứ bạn không hề được nhận lương.

Thứ hai, bạn có thể phải ngồi một chỗ trong 3 năm mà không được đi đâu cả. Vì luôn có rất nhiều công việc chờ đợi bạn giải quyết.

Thứ ba, rủi ro là rất lớn cho một công ty còn non trẻ. Cho nên phá sản sẽ là điều có thể xảy ra. Và người Giám đốc sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều nhất khi công ty có chuyện.

Đó, vậy làm Giám đốc đâu có phải là “sướng” như mọi người vẫn nghĩ.



CĐTC: Những thách thức lớn nhất mà anh đã gặp phải khi bắt đầu khởi nghiệp và làm như thế nào anh vượt qua những thách thức đó?

NNĐ: Thách thức và khó khăn lớn nhất với bản thân tôi đó là vượt qua chính mình, tập thói quen dậy đều đặn lúc 5h sáng tập thể dục. Và bắt đầu một ngày làm việc mới. Rồi những ngày nghỉ, ngày lễ không được tụ tập cùng bạn bè mà phải đến công ty làm việc. Nói chung là rất nhiều thứ cám dỗ xung quanh. Rồi không thể tránh khỏi sự phiền trách của gia đình khi đi sớm về khuya…Nhưng khi đã xác định được mục tiêu và con đường rõ ràng của mình thì cứ tiến lên phía trước, bỏ qua những vật cản xung quanh để tiến đến đích.



CĐTC: Trước khi thành lập vatgia.com anh đã trang bị cho mình những gì để thành lập Công ty?

NNĐ: Thực ra không chuẩn bị nhiều lắm. Bởi vì lĩnh vực thương mại điện tử mà tôi dự đinh thành lập lại là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam khi đó. Vậy là lần mò tìm hiểu trên mạng, từ nhiều nguồn thông tin. Sau đó, tuyển những người làm cùng với mình. Với tôi nhân sự là điều vô cùng quan trọng trong một công ty. Nhớ những ngày mới thành lập, tôi phải đi thuyết phục từng người về ý tưởng kinh doanh mới mẻ này. Trong khi mọi người hầu như chưa có khái niệm gì về mô hình kinh doanh này, họ cũng chưa dám từ bỏ công việc hiện tại của mình để làm việc cho Vật giá. Vậy là tôi vừa phải làm việc, vừa phải chứng minh cho họ thấy Vật giá là nơi có thể đáp ứng rất nhiều nhu cầu của họ. Và họ tin tưởng, đi theo và làm hết mình. Bây giờ nhân viên của Công ty đã lên đến hơn 300 người. Và liên tục tuyển dụng thêm nhân sự mới. 



CĐTC: Nói đến vấn đề nhân sự. Đây cũng là một điều khá đau đầu với các nhà lãnh đạo. Vậy với riêng anh – Giám đốc của Vật giá, anh đã tuyển chọn nhân viên như thế nào để có thể đáp ứng được nhu cầu công việc và mang lại hiệu quả cho Công ty?

NNĐ: Riêng với Công ty Vật giá, tôi đã tuyển nhân viên Không dựa vào những  tiêu chí như:

   + Độ tuổi

   + Kinh nghiệm

   + Xuất xứ  (học ở đâu ra)

   + Thâm niên

Mà tôi dựa vào việc tôi cần họ làm trong vị trí nào, công việc cụ thể như thế nào và họ có đáp ứng được hay không. Ví dụ tôi đang cần tuyển một cô nhân viên đánh văn bản thì tôi chưa chắc đã tuyển một sinh viên ra trường bằng giỏi của một trường kinh tế nào đó để đánh văn bản. Quan trọng là mình cần gì. Tập trung vào thứ mình cần thôi. Và bạn có thể quan sát thấy hầu hết nhân viên của Công ty còn có độ tuổi khá trẻ. Họ hầu hết thuộc thế hệ tuổi 8X và một số là đầu 9X. Tức là có một số các bạn sinh viên đã làm việc khi đang học năm thứ nhất, thứ hai. Nhân viên của Công ty luôn được tuyển dụng và đào thải theo thời gian, để đảm bảo tính chất và hiệu quả của công việc.



CĐTC: Nếu được quay lại quãng thời gian thành lập Vật giá, anh tự thấy nên chuẩn bị mọi thứ kỹ lưỡng hơn nữa không?

NNĐ: Với tôi thì là không. Tôi không thể chần chừ và ngần ngại trong thời điểm quyết định thành lập Công ty cách đây 3 năm. Xem mọi yếu tố của mình đã đủ chưa. Bởi với sự ra đời của một công ty, mọi sự chuẩn bị không bao giờ là đủ cả. Nếu không có công ty đầu tiên, làm gì có những công ty tiếp tục được thành lập sau đó. Khi tôi thành lập công ty Vật giá đầu tiên mất 3 năm, thì khi thành lập tiếp Vật giá thứ hai mất 3 tháng. Và có lẽ khi thành lập Vật giá thứ ba, tôi sẽ mất chỉ 3 ngày. Vì sao ư? Đó là vì mọi thứ nguồn lực đã được chuẩn bị và rút kinh nghiệm từ những lần thành lập trước đó rồi.



CĐTC: Một lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ đang ấp ủ dự định thành lập công ty?

NNĐ: Tôi nghĩ là đừng nên mở rộng công ty vội. Quan trọng là phải xác định mục tiêu rõ ràng của bản thân mình. Biết cái đích đến của mình. Vì thực ra, công ty chỉ là công cụ thể thực hiện mục tiêu của mình mà thôi. Khi thành lập công ty, phải tạo ra được giá trị - giá trị mang lại cho xã hội và người tiêu dùng. Để kết quả là họ sẽ trả tiền cho sản phẩm, dịch vụ mà họ được cung cấp vì họ thấy hài lòng và giá trị mình mang lại cho họ.

Một điều cuối cùng là nên đọc nhiều sách. Nhưng là sách do những người thành công và giàu nhất trên thế giới viết. Đọc sách của họ, nắm được nguyên lí cơ bản mà họ đã áp dụng thành công và làm theo.



CĐTC: Xin chân thành cám ơn anh! Chúc anh và công ty Vật giá sẽ liên tục phát triển không ngừng, đem lại nhiều giá trị cho xã hội.







Tổng hợp từ ConDuongThanhCong.com, VnExpress.net, DoanhNhan.net, ICTNews.vn
Tags: , , ,

Giới thiệu về NguoiThanhCong.net

Là mạng lưới của những người khát khao thành công, chia sẻ câu chuyện của những tấm gương thành công đáng để học hỏi.

2 nhận xét

  1. Hôm nay đọc được bài này về Nguyễn Ngọc Điệp thấy hay quá :)

  2. Bạn cần vay khẩn cấp?
    * Rất nhanh chóng và khẩn cấp vào tài khoản ngân hàng của bạn chuyển
    * Trả nợ bắt đầu tám tháng sau khi bạn nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn
    * Lãi suất thấp 2%
    * Trả nợ dài hạn (1-30 năm) Thời gian
    * Thời hạn cho vay linh hoạt và thanh toán hàng tháng
    *. Làm thế nào lâu để tài trợ? Sau khi nộp đơn xin vay tiền,
    bạn có thể mong đợi rằng câu trả lời sơ bộ ít hơn 24 giờ và
    tài trợ trong vòng 72-96 giờ sau khi nhận được thông tin chúng tôi cần từ bạn.
    Liên hợp pháp và công ty cho vay được cấp phép có thẩm quyền
    viện trợ tài chính cho các nước khác.
    Để biết thêm thông tin và một đơn xin vay tiền dưới hình thức Liên hệ với doanh nghiệp qua
    email: trustloan87@gmail.com

Leave a Reply