Vương Hữu Hùng (Diễn Giả Francis Hùng) Chuyên Gia Huấn Luyện Giỏi Nhất - Tổng giám đốc đi lên từ lễ tân khách sạn


[Image]

■Sinh năm 1977, quê Hậu Giang
■Tốt nghiệp loại giỏi ngành luật thương mại tại ĐH Luật TP.HCM
■Hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành khách sạn- nhà hàng 5 sao.
■6 năm làm việc với vị trí Trưởng phòng kinh doanh cho tập đoàn khách sạn Mariott International (Hoa Kỳ) và đoạt giải Giám đốc bán hàng xuất sắc nhất của năm
■Giám Đốc Kinh Doanh & Tiếp Thị Tập Đoàn Đa Quốc Gia Ascott International (Quản lý tòa nhà Somerset tại TPHCM)
■Giám Đốc Kinh Doanh Princess d’annam resort & spa (Pháp)
■Hai lần đoạt giải thưởng sáng tạo về kinh doanh Iceberg của tập đoàn Capitaland (Singapore).
■Diễn giả khách mời của các công ty, các viện đào tạo trong nước và quốc tế

■Phó ban thương hiệu câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn
■Tổng Giám Đốc chuỗi nhà hàng nhượng quyền Buncamita (Bún Cá Miền Tây)
■Tổng Giám Đốc Công Ty Tư Vấn Fresh View Consultancy
■Tham gia giảng dạy nhiều chuyên đề về Marketing, Quản trị thương hiệu & tiếp thị.
■"Mục tiêu công việc tôi đặt ra cho bản thân bao giờ cũng cao hơn mức yêu cầu của công ty 75% và tôi quyết liệt hoàn thành mục tiêu ấy"


Chàng tổng giám đốc đi lên từ lễ tân khách sạn

Tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành luật thương mại tại ĐH Luật TP.HCM, Vương Hữu Hùng (35 tuổi, quê Hậu Giang) gác tấm bằng cử nhân sang một bên để đi làm... lễ tân khách sạn.

Sau 5 năm anh được công nhận là giám đốc bán hàng xuất sắc

Sau năm năm, từ một nhân viên lễ tân, Vương Hữu Hùng được Tập đoàn nhà hàng khách sạn Marriott International công nhận là giám đốc bán hàng xuất sắc nhất VN (2004) với doanh thu tạo ra vượt chỉ tiêu hơn 50% liên tiếp trong hai năm. Đây là tập đoàn lớn với 2.300 khách sạn ở 80 quốc gia. Hiện anh là tổng giám đốc Công ty tư vấn và đào tạo bán hàng Fresh View.

Chàng lễ tân nhiều khát vọng



Năm 1999, sau khi tốt nghiệp cử nhân loại giỏi, Vương Hữu Hùng đã làm một việc mà nhiều người không tin nổi: xếp hàng suốt 2 giờ để nhận hồ sơ xin việc tại khách sạn 5 sao Renaissance Riverside Sài Gòn với vị trí... lễ tân.
Công việc lễ tân đòi hỏi người làm phải chịu khó đứng liên tục trong suốt thời gian trực. Điều này khiến người làm rất mệt mỏi và dễ cáu gắt khi giải quyết những sự cố với khách hàng. “Tôi chọn công việc này vì nó giúp rèn luyện tính nhẫn nại, tỉ mỉ, biết kiểm soát cảm xúc và cái tôi” - Hùng giải thích.

Làm lễ tân, hết ca trực, thường nhân viên sẽ mặc người ca sau tự giải quyết những sự cố là hậu quả của nhiều ca trước đó. Nhưng Hùng thì khác, anh ghi chép những điều có thể tạo nên sự cố ở ca của mình và trao đổi với nhân viên ca sau trước khi về. Thậm chí có hôm anh ở lại hỗ trợ nhân viên ca kế tiếp cho đến khi mọi việc ổn thỏa. “Ngoài việc đảm bảo công việc được suôn sẻ, tôi luôn nắm được những nguyên nhân nhỏ nhất có thể gây nên sự cố trong dịch vụ khách sạn” - Hữu Hùng cho biết. Sự nhiệt tình ấy đã lọt vào mắt quản lý khách sạn và sau 14 tháng làm việc, anh được bổ nhiệm vị trí đặt phòng và 10 tháng sau vào vị trí điều hành kinh doanh. Đối với một lễ tân thì sự thăng tiến ấy là quá nhanh nhưng theo Hùng, thành công lớn nhất trong thời điểm đó của anh là bước qua cái bóng của tấm bằng đại học.

Hữu Hùng bảo rằng khi chọn công việc lễ tân sau khi lấy bằng cử nhân, gia đình đã sốc và tạo nhiều áp lực với anh. Cũng lúc đó anh và bạn gái chia tay vì bố mẹ cô gái cho rằng việc qua lại với một lễ tân khách sạn không có tương lai. Trước lúc chia tay anh nói: “Ngày hôm nay là lễ tân nhưng ngày mai tôi sẽ là giám đốc của một khách sạn”.

“Chưa từng có tiền lệ”
Từng giữ nhiều trọng trách và công việc hiện tại

Vương Hữu Hùng sinh năm 1977, tốt nghiệp loại giỏi ngành luật thương mại tại ĐH Luật TP.HCM. Từng là giám đốc kinh doanh và tiếp thị tại Tập đoàn đa quốc gia Ascott International, giám đốc bán hàng của Tập đoàn Marriott International (M.I), giám đốc kinh doanh Princess d’Annam Resort (Pháp), M.I trao giải thưởng “Giám đốc bán hàng xuất sắc nhất trong năm” vào năm 2004 và hai lần được Tập đoàn bất động sản Capitaland (Singapore) trao giải thưởng Iceberg vì những ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh. Hiện anh là chuyên gia huấn luyện bán hàng, quản lý, lãnh đạo và cố vấn chiến lược kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bất động sản.

Trong lúc làm điều hành kinh doanh tại khách sạn Renaissance Riverside Sài Gòn, anh mò mẫm bí quyết của người bán hàng giỏi. Anh chọn việc bán bảo hiểm nhân thọ cho Hãng Prudential. Hùng gặp khó khăn ngay với vị khách hàng đầu tiên cũng là người quen. Họ từ chối gặp anh ngay khi anh nhắc đến bảo hiểm.
Với nhiều khách hàng khác anh cũng gặp tình trạng tương tự. “Khách hàng không thích sản phẩm bảo hiểm, phần lớn họ không muốn nói về nó với những điều tồi tệ nhất”, anh nghĩ vậy và bày ra việc khảo sát xoay quanh những lý do họ không thích mua bảo hiểm để tiếp cận. Và bao nhiêu khách hàng làm khảo sát thì có bấy nhiêu hợp đồng được ký vì nội dung khảo sát của Hùng khiến họ hiểu những lợi ích khi mua bảo hiểm nhân thọ. Anh đã khá thành công ở lĩnh vực này.

Sau lần thử sức ở Prudential, Vương Hữu Hùng bước chân vào ngành bán hàng với cương vị điều hành cao cấp việc bán các sản phẩm dịch vụ thuộc ngành nhà hàng, khách sạn, căn hộ cao cấp. Có một câu chuyện diễn ra trong thời gian anh làm việc tại Ascott International mà sau này ban lãnh đạo tập đoàn vẫn còn nhắc đến vì “chưa từng có tiền lệ”.

Thời điểm ấy, giám đốc khu vực miền Bắc là một người nước ngoài nghỉ việc, để tìm một giám đốc điều hành thế chỗ là không dễ dàng. Anh tiến hành thương lượng với giám đốc khu vực Đông Dương là Henry Lim (người Singapore) rằng anh sẽ vừa làm giám đốc khu vực miền Nam và kiêm luôn khu vực phía Bắc với điều kiện anh phải được tăng 85% lương và cùng gia đình đi nghỉ tại Mỹ trong hai tháng, sau khi công việc ổn định. Ông Henry Lim gật đầu nhưng cũng cho biết sẵn sàng đương đầu với áp lực của hàng chục giám đốc điều hành trong khu vực. Quả đúng như vậy, hai tuần sau khi tin về việc tăng lương bất thường của Hữu Hùng lan ra thì đồng loạt các giám đốc khác yêu cầu được đáp ứng như Hữu Hùng, nếu không sẽ nghỉ việc.

Ông Henry Lim giải thích với sự cứng cỏi: “Tôi phải chọn người giỏi nhất để trao phần thưởng. Nếu ai muốn nghỉ việc, nộp đơn tôi sẽ ký tức khắc”. Đồng thời ông cũng trưng ra bảng thành tích đóng góp cho tập đoàn của Hữu Hùng để bảo chứng cho quyết định của mình. Hữu Hùng nói về câu chuyện trên: “Tôi không hề liều lĩnh khi đàm phán với sếp một điều chưa từng có tiền lệ như thế. Tôi hiểu tôi đã cống hiến nghiêm túc như thế nào trong suốt quá trình làm việc”.


“Điều quan trọng trong công việc là dựa vào tố chất, thực lực chứ không phải bằng cấp! Cụ thể với trường hợp của tôi, dù tốt nghiệp ĐH Luật nhưng tôi nghĩ mình có tố chất của một người thích phục vụ, do đó, tôi đã chọn môi trường khách sạn. Tôi chỉ chọn làm việc trong những khách sạn quốc tế hàng đầu thế giới, dù ở vị trí nào cũng được để rèn luyện và học tập...” — Ông Vương Hữu Hùng, Tổng Giám đốc Chuỗi nhà hàng nhượng quyền Buncamita.



[Image]
Bỗng dưng... đi bán bún

(Cadn.com.vn) - Ở ngoài đời, tôi gọi anh bằng thầy, dù ngang tuổi nhau. Nhưng ngoài tuổi ra, có lẽ, tôi chẳng còn lý do gì để đánh đồng được với anh. Và chữ “thầy” vừa đúng trong ngữ cảnh thầy – trò ở lớp học nâng cao về quản trị kinh doanh vừa đúng trong cuộc sống. Anh là một người bán bún cá. Bạn bè bảo: “Mày điên rồi. Lương 50 triệu đồng mỗi tháng không làm mà bỏ đi bán bún”. Mà anh cũng thấy mình… hơi điên.

Theo tử vi, những người tuổi Đinh Tỵ thường long đong lận đận, có nhiều tiền cách mấy thì vẫn vất vả, có tính toán giỏi giang đến đâu cũng hiếm khi thẳng tiến. Có câu, “về già thì mới thảnh thơi an nhàn” dành cho tuổi này. Vương Hữu Hùng sinh năm Đinh Tỵ 1977 bên dòng kênh Xán Xà No của tỉnh Hậu Giang. Thuở nhỏ nhà nghèo. Nói đói thì quá nhưng hiếm khi có lấy một bữa ngon. Mà lứa của anh ở nông thôn những năm 80 – 90 thì nghèo đói cũng chẳng lạ gì. Rồi anh thi đậu Đại học Luật TPHCM. Vào đại học rồi, thay vì “thưởng thức” cái thú tự do tự tại của đám bạn sinh viên, Vương Hữu Hùng lại vùi đầu vào học. Hết năm thứ hai ở đại học, anh thông thạo tiếng Anh, bắt đầu xúc tiến làm ăn. Anh làm chủ nhiệm CLB tiếng Anh với công việc thường xuyên là dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đến làm ăn sinh sống tại TPHCM. Ra trường với bằng cử nhân luật loại giỏi, bỗng dưng Vương Hữu Hùng xin đi làm... lễ tân. Điểm đến đầu đời của anh là khách sạn 5 sao Renaissane Riverside của Mỹ ở TPHCM. Dù ở một chỗ làm không tệ, bạn bè Vương Hữu Hùng vẫn hoài nghi động cơ thực sự của anh, bởi với tấm bằng cử nhân loại giỏi, thông thạo tiếng Anh, việc kiếm một chỗ làm sáng sủa hơn cái chân lễ tân đâu phải khó?

Sau 6 năm làm việc miệt mài, Vương Hữu Hùng trở thành nhân vật rất được trọng dụng ở Renaissane, con đường tiến thân trong khách sạn này rộng mở. Thế nhưng, một lần nữa, anh đột ngột đổi hướng. Lần này, anh “nhảy vụt” lên làm Giám đốc kinh doanh của Princessd’ Anna Resort spa của Pháp. Nhưng đúng 1 năm sau, sau khi đã tạo dựng khu resort này thành công ở Phan Thiết và cả thương hiệu cá nhân trong giới kinh doanh nghỉ dưỡng cao cấp, Vương Hữu Hùng lại... đổi hướng. Anh nhận lãnh trách nhiệm là Giám đốc kinh doanh và tiếp thị khu vực phía Nam cho Tập đoàn Serviced Residence, một tập đoàn kinh doanh căn hộ cao cấp hàng đầu thế giới của Singapore. Như vậy, sau 7 năm kể từ ngày cầm tấm bằng cử nhân luật học, chàng trẻ tuổi Vương Hữu Hùng “nhảy” từ chân lễ tân lên giám đốc kinh doanh và tiếp thị của một tập đoàn lớn. Điều này chắc không nhiều người làm được. Anh nói: “Thực ra, có đi từ việc nhỏ thì mình mới vững chân được, khi làm việc lớn hơn đỡ phần bỡ ngỡ”.

Trở thành người bán bún

Đang nhận mức lương 50 triệu đồng/tháng, bỗng dưng Vương Hữu Hùng làm đơn xin nghỉ việc. Chẳng phải vì anh được hứa hẹn một chỗ làm khác nhiều triển vọng hơn, cũng chẳng phải bất đồng với tập đoàn. Vương Hữu Hùng tâm sự: “Thông thường, người Việt tiến thân trong các tập đoàn nước ngoài bắt đầu từ những công việc không quan trọng đến công việc quan trọng. Sau đó họ được đào tạo và dần dần thay thế người nước ngoài ở những vị trí chủ chốt. Rất nhiều người có năng lực lựa chọn con đường này. Tuy vậy, có một điều rất khó thay đổi là họ vẫn phải làm thuê. Tôi không muốn điều ấy”.


[Image]
Nhà hàng Buncamita tại Mỹ.

Vương Hữu Hùng khăn gói về quê Hậu Giang bên con kênh Xán Xà No học... nấu bún cá! Đến lúc này thì cả gia đình và bạn bè đều nghĩ anh... điên. Mà bản thân anh cũng thấy mình cũng hơi điên thật. Nhưng anh vẫn đủ tỉnh táo để kết luận rằng: “Bún cá miền Tây quê mình rất ngon”. Có bận, anh đưa một số bạn bè Âu - Mỹ về Hậu Giang thưởng thức đặc sản quê hương, tất cả họ say sưa với món ăn mang đậm hương vị sông nước Cửu Long. “Tại sao không bán bún cho người Tây?”, anh nghĩ. Và rồi anh làm thật.

Sau khi học nghề thành thạo, anh sáng chế ra loại gia vị làm từ rau củ quả để thay thế bột ngọt nhằm có lợi cho sức khỏe và phù hợp với đòi hỏi khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Châu Âu. Anh lại nghiên cứu thay thế nguyên liệu cá lóc, vốn rất khó phi lê, bằng cá basa... Về nhân sự, Vương Hữu Hùng thuyết phục các nhân viên chủ chốt của các tập đoàn khách sạn lớn, như Caravelle, Sheration, Marriott... về đầu quân và hùn vốn. Ngày 1-1-2007, nhà hàng bún cá miền Tây mang thương hiệu Buncamita chính thức ra đời. Ngay lập tức, món bún cá lừng danh của đồng bằng sông Cửu Long gia nhập làng ẩm thực an toàn, với sự hưởng ứng mạnh mẽ không ngờ. Đến nay, Vương Hữu Hùng đã sở hữu hàng loạt nhà hàng Buncamita ở TPHCM. Chưa dừng lại ở đó, anh khăn gói sang Mỹ tìm kiếm đối tác để mở nhà hàng ở bên đó... Anh chắc nụi: “Bún cá miền Tây đã sang được Mỹ, ở đại lộ Stewart thuộc tiểu bang Florida, và rồi sẽ đi đến những nơi khác trên thế giới”.

Khi tôi hỏi về thành công, Vương Hữu Hùng dí dỏm: “Thành công nhất của tôi là biết ăn bún và bán được bún”. Hiểu cho cặn kẽ, cái nghĩa “bán được bún” quả không hề đơn giản, nhất là khi bán bên trời Âu - Mỹ.


[Image]
Quyết tâm làm ông chủ

Bún cá Miền Tây đã trở thành một thương hiệu tốt với chuối nhà hàng Buncamita mọc lên ngày càng nhiều trên các đường phố TP HCM. Đằng sau câu chuyện thương hiệu này là tâm huyết, là ý chí và nỗ lực của một doanh nhân trẻ - anh Vương Hữu Hùng.

Lập kế hoạch cho tương lai


Tốt nghiệp với tấm bằng đại học Luật trong tay, chàng thanh niên Vương Hữu Hùng lại mang quá nhiều bức xúc về nghề nghiệp mà mình đã chọn học suốt 5 năm đại học. Không đắn đo, anh quyết định vạch ra cho mình một hướng đi hoàn toàn mới với một chiến lược dài hơi và bài bản. Tận dụng tối đa kinh nghiệm và khả năng ngoại ngữ đã có trong thời gian học tập ở trường Luật, anh đã mạnh dạn tìm đến và bước vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn. “Tôi nghĩ mình có tố chất của một người thích phục vụ, do đó, tôi đã chọn môi trường khách sạn. Mục tiêu của tôi là chỉ chọn làm việc trong những khách sạn quốc tế hàng đầu thế giới - dù ở vị trí nào cũng được - để rèn luyện và học tập. Tôi tin rằng, với môi trường của các khách sạn 5 sao có tầm mức quốc tế thì cơ hội học hỏi và thăng tiến luôn rộng mở,” anh Hùng bộc bạch.

Niềm tin và quyết tâm của anh đã được chứng thực qua 6 năm làm việc cho các tập đoàn khách sạn quốc tế. Từ vị trí một receptionist khiêm tốn tại Marriott - một tập đoàn khách sạn quốc tế của Mỹ - anh đã nỗ lực vươn tới vị trí Manager của tập đoàn này, rồi nhận lời mời của một tập đoàn Resort của Pháp cho vị trí Director, sau đó lại tiếp tục được mời sang làm việc cho một tập đoàn của Singapore với hệ thống khu căn hộ cao cấp Somerset trong vai trò Giám đốc kinh doanh và tiếp thị khu vực miền Nam.

Anh Hùng chia sẻ: “Tôi không cho phép mình bỏ phí thêm một khoảng thời gian nào nữa. Tôi đã vạch ra cho mình một kế hoạch 10 năm và những thành quả hôm nay đều nằm trong kế hoạch dự kiến của tôi”. Và thương hiệu Buncamita ra đời là để hoàn tất kế hoạch 10 năm đó của anh.

Định hình thương hiệu

Là một đứa con vùng sông nước Nam Bộ, anh Hùng không thể nào quên được những hương vị ngọt ngào của miền quê nơi anh đã ra đời và khôn lớn. Khát khao đem món bún cá đậm đà hương vị quê hương đến với mọi người và quảng bá ra thế giới luôn là một phần trong suy nghĩ của anh trong những năm tháng tha hương lập nghiệp.

“Hồi nhỏ tôi rất thích ăn món bún cá. Trong những lần về quê cùng một số học trò người Mỹ (thời sinh viên tôi dạy tiếng Việt cho người Mỹ) tôi đã nhận thấy những người Mỹ này cũng rất thích ăn món bún khoái khẩu của tôi. Từ đó, tôi đã nghĩ sẽ phải đưa món ăn này trở thành một thương hiệu toàn cầu như món phở đã được chấp nhận gần như trên toàn thế giới", anh nói.

Với kinh nghiệm quản lý và xây dựng thương hiệu học hỏi được trong suốt hơn 10 năm làm việc cho các tập đoàn lớn của nước ngoài, anh đã vạch ra một hướng đi hoàn toàn mới cho thương hiệu Buncamita. “Vệ sinh an toàn thực phẩm của nước ta là một vấn đề gần như bị thả nổi. Hầu như mọi người thích ăn rau sống đều muốn yên tâm về vấn đề vệ sinh. Đó là một nhu cầu chính đáng và nếu một thương hiệu nào đó có thể đáp ứng được nhu cầu tiềm ẩn này thì gần như đã chắc chắn sẽ thành công. Câu slogan của Buncamita hiện nay là “Tasty in a healthy way” (ngon và tốt cho sức khỏe).

Đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu, anh Hùng đã không ngần ngại liên kết với nhiều doanh nghiệp lớn có uy tín như Unilever, Nestlé, Agrifish... để được cung cấp những nguyên liệu thực phẩm bảo đảm an toàn cho thực khách. Đây cũng là tiêu chí giúp khẳng định chỗ đứng của thương hiệu Buncamita. Tuy chỉ mới tham gia thị trường ẩm thực hơn 1 năm qua, nhưng hiện anh Hùng đã xây dựng được 3 nhà hàng Buncamita đầy ấn tượng và hấp dẫn thực khách. Anh chia sẻ: “Tôi nhắm đến hình thức kinh doanh nhượng quyền là chính và đó là cách xây dựng thương hiệu mạnh và nhanh nhất, phù hợp nhất với kế hoạch phát triển của mình. Dĩ nhiên muốn làm được điều đó thì hệ thống quản trị phải tốt, chiến lược kinh doanh phải thật xuất sắc. Khi đó, các nhà đầu tư mới tin tưởng, chấp nhận đầu tư và trả phí nhượng quyền. Rất may đó là những kinh nghiệm tôi may mắn có được từ những tập đoàn quốc tế hơn 10 năm qua.”

Với đà phát triển của Buncamita như hiện nay, anh Hùng hy vọng đến cuối năm 2008 này sẽ có thêm khoảng 5 nhà hàng Buncamita nữa mọc lên tại các quận trung tâm TPHCM và tại Hoa Kỳ thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu.


[Image]
Vương Hữu Hùng Francis - Giám đốc bán hàng xuất sắc nhất Việt Nam

Theo dòng lịch sử của người nổi tiếng. Anh đã làm gì để có được ngày hôm nay. Với kinh nghiệm của người làm nghề kinh doanh lâu năm, Francis Vương Hữu Hùng chia sẻ một số kinh nghiệm để thành công trong nghề được xem là “khắc nghiệt nhất trong mọi nghề” này.

Với kinh nghiệm của người làm nghề kinh doanh lâu năm, Francis Vương Hữu Hùng chia sẻ một số kinh nghiệm để thành công trong nghề được xem là “khắc nghiệt nhất trong mọi nghề” này. Ở tuổi 32, anh hiện là sáng lập viên, TGĐ nhà hàng nhượng quyền Buncamita, giám đốc điều hành Fresh View Consultancy. Anh từng giành giải “Giám đốc bán hàng xuất sắc nhất Việt Nam” do Tập đoàn Marriott (Mỹ) trao tặng cho các nhân viên.

Bán hàng luôn là công việc có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất và thang bậc lương cũng nằm trong nhóm cao nhất trên thị trường lao động. Vì đây chính là công việc trực tiếp mang lại doanh thu cho công ty và mang tính đào thải khá cao. Với tầm quan trọng như vậy, công việc bán hàng cũng đòi hỏi khá nhiều yêu cầu. Để thành công với nghề này, nhiều người ví von nhân viên bán hàng phải có những tố chất của một nhà tâm lý (để hiểu khách hàng), có thể lực của một VĐV thể thao (để chịu được áp lực cao từ công việc), tính điềm đạm của một nhà tu hành (để kiểm soát được cảm xúc cá nhân và yêu mến khách hàng). Đồng thời, họ phải có tính sáng tạo của một nghệ sĩ và tư duy logic, hiểu biết những con số trong kinh doanh. Đòi hỏi một sự kết hợp ở nhiều khía cạnh như vậy, nên quan trọng nhất là người làm nghề kinh doanh, bán hàng phải có kỹ năng cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống.

Rèn luyện để vào nghề

Yêu cầu đầu tiên là phải thích giao tiếp với mọi người và yêu mến công việc bán hàng. Nghề bán hàng không quá kén chọn bằng cấp, bằng chứng là tốt nghiệp ngành nào bạn cũng có thể làm ngành này, nhưng khi đã vào làm, công việc lại yêu cầu bạn phải không ngừng nâng cao kiến thức tổng quát. Ví dụ: nếu làm nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực nào (hóa chất, dược phẩm, may mặc, thực phẩm…), bạn cần phải có kiến thức tổng quát về nghề đó. Tiếp theo, bạn cần tìm hiểu để nắm rõ lĩnh vực mà mình đang bán cho khách hàng. Kỹ năng thương thuyết là rất quan trọng, vì vậy, phải chú ý đến ngoại hình, ăn mặc tạo độ tin cậy cho khách hàng. Giọng nói cũng là một phần quan trọng. Để làm nhân viên kinh doanh, không nhất thiết bạn phải nói hay, mà là nói có độ chân thật để khách hàng cảm thấy tin tưởng.

Sáng tạo


Cách đây 5 năm, lúc còn là trưởng nhóm bán hàng bên ngành bảo hiểm nhân thọ, khi liên hệ với khách hàng tôi nhận được lời từ chối thẳng thừng vì người VN mình đặc biệt dị ứng với từ “bảo hiểm”. Tôi phải rất khéo léo xin phép khách hàng cho phép gặp gỡ để điền vào bảng khảo sát “lý do tại sao người ta không có thiện cảm với bảo hiểm”. Ngạc nhiên là phần lớn khách hàng lại đồng ý vì họ nghĩ rằng sẽ có cơ hội để bộc lộ tâm tư, nhận định của mình về bảo hiểm, về việc họ đã bị nhiều nhân viên bảo hiểm làm phiền. Tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc gặp gỡ này, tự đặt ra một số tình huống trước, rồi tìm câu trả lời thuyết phục cho mỗi tình huống đó. Cuối cùng, đúng như tôi dự đoán, do lường trước được phản ứng của khách hàng nên tôi đã trả lời thuyết phục. Và kết quả là tôi đã có những khách hàng sẵn sàng mua bảo hiểm từ mình.


[Image]
Diễn giả Francis Hùng - Để thành công, hãy tin vào những điều bạn làm!

Đang ở đỉnh cao trong sự nghiệp, Francis Hùng đã rời khỏi vị trí Regional Sales & Marketing Director của tập đoàn Du lịch, Khách sạn và Bất động sản Quốc tế Capitaland’s Ascott để được thỏa sức theo đuổi niềm đam mê diễn thuyết, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giúp các bạn trẻ vươn đến thành công.

-    Khởi nghiệp với tấm bằng cử nhân Luật loại giỏi nhưng lý do nào khiến anh theo đuổi ngành Du lịch khách sạn và lại bắt đầu với vị trí Nhân viên lễ tân khách sạn?
Đây là một quyết định đầy thử thách đối với bất kỳ cá nhân nào sau hơn 4 năm chuyên tâm học hành trong ngành luật, lại đảm nhận những công việc như lớp trưởng và chủ nhiệm của hai câu lạc bộ anh ngữ trong suốt những năm đại học. Sự kỳ vọng ở bạn bè, gia đình và người xung quanh về một luật sư đầy triển vọng trong tương lai, tất cả đều “chưng hửng” trước quyết định này của tôi. Tại sao tôi lại quyết định như vậy? Rất dễ hiểu, khi tôi tịnh tâm và tự hỏi: Đâu là điểm mạnh nhất của mình?

Câu trả lời nằm ở khả năng ngoại ngữ tốt, cùng với mong muốn được làm việc trong một môi trường quốc tế năng động, gặp gỡ nhiều người từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Ngành luật vào thời điểm đó (1999) không tạo điều kiện để tôi phát huy điểm mạnh cũng như mong muốn của mình. Thế là tôi quyết định tìm kiếm cơ hội trong ngành du lịch khách sạn dù không hề có chút kiến thức hay kinh nghiệm gì và tôi cũng chuẩn bị sẵn tinh thần để phải bắt đầu từ vị trí thấp nhất. Khi nghe tin tập đoàn Marriott của Mỹ sắp khai trương một khách sạn 5 sao tại Việt Nam, tôi biết cơ hội đã đến. Và cho đến tận ngày hôm nay, tôi thấy mình “may mắn” khi đã quyết định xếp hàng dưới trời nắng suốt 2 tiếng đồng hồ ở cung đường Tôn Đức Thắng, quận 1 để xin cho được bộ hồ sơ làm nhân viên lễ tân tại khách sạn này.

-    Trong suốt quá trình làm việc tại các tập đoàn khách sạn, khu nghỉ mát và căn hộ dịch vụ quốc tế, bí quyết nào giúp anh thăng tiến qua nhiều vị trí và cuối cùng giữ một vị trí mà từ trước đến nay chỉ dành cho nhân sự nước ngoài?
Khi làm ở một môi trường quốc tế năng động như vậy, tôi thấm nhuần triết lý quản trị phương tây với câu hỏi thường trực của sếp “Anh nhìn thấy mình sẽ phát triển như thế nào trong vòng 1 năm, 2 năm hay 3 năm tới?”. Triết lý này đã khuyến khích tôi luôn có mục tiêu thăng tiến rõ ràng trong công việc.

Khi có một mục tiêu rõ ràng để theo đuổi, bạn sẽ không bao giờ bị lạc hướng và sẽ sống hết mình vì mục tiêu đó. Những tháng đầu tiên làm ở vị trí nhân viên lễ tân, tôi biết rằng mình cần tích lũy kinh nghiệm và phát triển những kỹ năng như dịch vụ khách hàng, giải quyết tình huống, giao tiếp và kỹ năng lãnh đạo để tiến lên nấc thang kế tiếp trong sự nghiệp. Và sau mỗi chặng đường đạt được một mục tiêu, tôi đều ngồi lại rút ra những bài học kinh nghiệm và tiếp tục đặt cho mình những mục tiêu mới.

-    Nhìn lại chặng đường đã qua, có những kinh nghiệm nào đáng nhớ nhất đối với anh?
Có một lần tôi bị kỷ luật vì ra quyết định mang tính “vượt cấp”. Tôi đã không hỏi qua ý kiến của cấp trên mà quyết định nâng cấp phòng từ hạng trung lên hạng cao cấp cho một vị khách đến từ Anh Quốc do phòng ông đặt chưa chuẩn bị xong và ông phải đợi ít nhất 1 tiếng nữa để nhận phòng.

Tôi quyết định như vậy vì thấy ông có vẻ rất mệt sau một chuyến bay dài, phòng của ông chưa sẵn sàng là lỗi của khách sạn và tôi nhìn thấy trên hệ thống thông tin của khách sạn - ông là lãnh đạo của một tập đoàn quốc tế lớn đang có chi nhánh kinh doanh tại Việt Nam. Tôi nghĩ nếu làm hài lòng vị khách này sẽ rất có lợi cho khách sạn do ông là người quyết định để nhân viên của ông tiếp tục lưu trú tại khách sạn này hay sang khách sạn khác.

Dù biết cách giải quyết này hoàn toàn sai với quy định của công ty nhưng tôi tin đây là quyết định đúng đắn mang lại lợi ích cho công ty và làm hài lòng khách hàng. Sau khi nghe tôi trình bày lý do, Tổng giám đốc đã rút lại quyết định kỷ luật. Một thời gian ngắn sau, ban lãnh đạo đã thăng chức cho tôi lên một cương vị mới và cho đến thời điểm tôi rời vị trí cuối cùng, tôi đã thăng tiến 9 lần qua 3 tập đoàn khác nhau.

“Đặt niềm tin vào những điều mình làm” giúp tôi luôn tự tin thực hiện những mục tiêu trên con đường nghề nghiệp và cả những mục tiêu trong cuộc sống.

-    Đang ở vị trí đỉnh cao trong sự nghiệp, tại sao anh lại quyết định từ bỏ vị trí rất tốt đó để chuyển sang công việc diễn thuyết?

Đây là quyết định lớn thứ hai trong đời tôi. Sau khi đã biết điểm mạnh của mình thì cũng sẽ biết được mình có khả năng phát triển ở mức độ nào khi theo đuổi đam mê. Kinh nghiệm đa dạng cùng các kiến thức và kỹ năng được đào tạo tại các tập đoàn quốc tế như Marriott của Mỹ, Princess d’Annam của Pháp và Ascott International của Singapore cộng với khả năng nói chuyện trước công chúng đã củng cố thêm quyết định “đi theo tiếng gọi con tim”, dấn thân vào công việc diễn thuyết và huấn luyện cho các công ty.

Thế là tôi lại bắt đầu một chặng đường mới với mục tiêu mới – trang bị cho các bạn trẻ Việt Nam những kỹ năng giúp các bạn tự tin hơn để cạnh tranh trong môi trường năng động và tiến nhanh đến thành công. Hay nói đơn giản hơn là tôi muốn truyền lửa và trao luôn “hộp diêm” cho các bạn.

Xin cảm ơn anh!


Dưới đây là bài viết của anh Francis Hùng đăng trên VnExpress:

Đừng chỉ trích cách tiêu xài của người khác

Một người giàu bước vào nhà hàng phở sang trọng và chi 1 triệu đồng cho một bát phở ngon. Ta xem xét ông chủ quán sẽ sử dụng 1 triệu đồng này ra sao nhé. Ông sẽ trích một phần trả cho nhà cung cấp thịt, rau, gia vị, điện, chất đốt... và tiền lương của nhân viên, cộng với thuế nộp Chính phủ.

Theo thông tin từ báo đài, ta biết được có những người giàu sẵn sàng chi cả triệu đồng cho một bát phở, hay những người lái những chiếc xe trị giá cả triệu đôla. Họ chi vài chục triệu cho một buổi ăn tối ở nhà hàng sang trọng là chuyện bình thường.

Trong phạm vi bài viết này tôi không bàn đến nguồn tiền ở đâu những người này có, chính thức hay không chính thức, chính trực hay không chính trực.

Tôi chỉ muốn đề cập đến người Việt chúng ta hay có khuynh hướng phê bình những người chi nhiều tiền cho việc ăn xài. Nếu chúng ta theo tâm lý số đông và tiếp tục phê bình những người này thì rõ ràng dưới góc độ kinh tế - ta nên xem xét lại.

Tôi lấy ví dụ, một người giàu bước vào nhà hàng phở sang trọng và chi 1 triệu đồng cho một bát phở ngon, ta xem xét ông chủ quán phở sẽ sử dụng 1 triệu đồng tiền bán phở này ra sao nhé – ông sẽ trích một phần trả cho nhà cung cấp thịt, rau, gia vị, điện, chất đốt... và tiền lương của nhân viên, cộng với thuế nộp Chính phủ.

Các nhà cung cấp trên sau khi nhận được phần tiền chi trả đó, họ lại phải trả lương cho nhân viên của họ và các nhà cung cấp khác.

Các nhân viên sau khi nhận được tiền lương của mình lại trích một phần đi ra chợ mua nhu yếu phẩm, và chi cho các dịch vụ cá nhân khác…. như vậy vòng quay của đồng tiền có được từ tô phở giá một triệu sẽ theo cách tiếp cận trên, ta sẽ thấy rõ bức tranh vận hành kinh tế một cách đơn giản nhất.

Tương tự như vậy, những người mua xe hơi sang hay bất kỳ sản phẩm hàng hóa dịch vụ sang trọng, hay xa xỉ nào, họ cũng đều phải nộp thuế và các loại phí, chính phủ dùng tiền nộp thuế của họ để lo cho những công trình công cộng…

Trong điều kiện bình thường hay khi đất nước gặp thiên tai, người mình hay theo tâm lý số đông để chỉ trích những người giàu có vì cách tiêu xài của họ. Nên nhớ rằng – bạn không thể trở nên giàu có nếu bạn căm ghét người giàu có.

Ta cũng không nên tạo nên một “chuẩn” sai là ta chỉ là đánh giá những người cho tiền người nghèo một cách trực tiếp theo kiểu làm từ thiện mới là người tốt. Tôi cho rằng, cách tiêu xài của những người giàu cũng là một cách gián tiếp làm từ thiện vì họ tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người khác từ đồng tiền họ chi ra.

Vậy nên, ta chỉ nên phê bình nếu nguồn tiền của họ kiếm được một cách bất hợp pháp. Ta hãy dành sự tôn trọng công bằng đối với người giàu cũng như người nghèo. Chứ không phải giàu thì đáng bị “chỉ trích” còn nghèo thì luôn có quyền la hét và hành xử nhân danh cái sự “ Nghèo”. Nếu ai cũng khư khư giữ tiền không chịu tiêu xài thì nền kinh tế sẽ đi về đâu? (Francis Hùng)


[Image]
Vương Hữu Hùng (Francis) - Trên 15 năm kinh nghiệm trong vai trò người bán hàng và trở thành lãnh đạo của những đội ngũ kinh doanh xuất chúng. Anh có dịp thăm viếng, học tập làm việc trên 10 nước từ Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Singgapore, Thái lan, Trung Quốc… vv.
Với những trải nghiệm khi anh là giám đốc kinh doanh và tiếp thị cấp cao của những tập đoàn đa quốc gia, cộng với lợi thế là người Việt Nam , Anh có niềm đam mê cống hiến những trải nghiệm của mình cho cộng đồng kinh doanh.
Với tài năng sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh lưu loát như nhau, anh còn là diễn giả được yêu thích  của công chúng với các đề tài về kĩ năng làm giàu, thẩm định bản thân, xây dựng mạng lưới, quản trị thời gian..v..v.
Anh thường là khách mời của các đài truyền hình quốc gia như VTV,HTV.. Anh được xem như là một chuyên gia huấn luyện, một cố vấn kinh doanh cho các công ty và là một diễn giả có mức thù lao cao nhất với sức hút mạnh liệt nhất hiện nay.


Tham khảo Tuoitre, CADN, Khoinghiep.org.vn, Icueh.com, Vietnamwork.com, Fressview.vn
Tags: , ,

Giới thiệu về NguoiThanhCong.net

Là mạng lưới của những người khát khao thành công, chia sẻ câu chuyện của những tấm gương thành công đáng để học hỏi.

2 nhận xét

  1. Một con người vĩ đại

Leave a Reply